Kế hoạch hành động nhằm nâng cao việc thực hiện Công ước Di sản thế giới ở Việt Nam giai đoạn 2012- 2016

Cập nhật: 12/03/2012
Chiều 7/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia “Kế hoạch hành động nhằm nâng cao việc thực hiện Công ước Di sản thế giới ở Việt Nam giai đoạn 2012- 2016”. Hội thảo do UNESCO phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý di sản và 7 di sản thế giới ở Việt Nam để đưa ra phương hướng và những công việc cụ thể cần triển khai thực hiện trong những năm tới nhằm quản lý và bảo tồn một cách hiệu quả nhất các di sản thế giới ở Việt Nam.

Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe báo cáo Tổng hợp kết quả từ báo cáo định kỳ thực hiện Công ước di sản thế giới (phần II) năm 2011 của 6 di dản thế giới ở Việt Nam gồm: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long. Báo cáo đã đưa ra một bảng tổng hợp cụ thể những yếu tố ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa. Theo đó, những tác động tích cực đối với di sản văn hóa đó là: Các tác nhân nghi lễ - tinh thần - tôn giáo và các hình thức kết hợp; tác động của các hoạt động du lịch, khách tham quan và vui chơi giải trí; các hoạt động quản lý giám sát; các phương tiện hướng dẫn và phục vụ khách tham quan; đánh giá của xã hội đối với di sản; cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Với các di sản thiên nhiên gồm: Các hoạt động quản lý, giám sát; các phương tiện hướng dẫn phục vụ khách tham quan; tác động của các hoạt động du lịch, khách tham quan và vui chơi giải trí; đánh giá của xã hội đối với di sản; nơi ở chính cho du khách và các cơ sở hạ tầng phụ trợ. Những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến di sản văn hóa gồm: Những điều kiện của địa phương ảnh hưởng tới kết cấu tự nhiên; biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết khắc nghiệt; các hoạt động khác của con người; các tác nhân xã hội/ văn hóa của di sản; ô nhiễm; diễn biến sinh thái hoặc địa chất bất ngờ; xây dựng và phát triển; cơ sở hạ tầng giao thông. Với các di sản thiên nhiên gồm: sử dụng - thay đổi nguồn tài nguyên sinh học; ô nhiễm; khai thác tài nguyên thiên nhiên; các tác nhân xã hội - văn hóa của di sản; các hoạt động khác của con người; biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết khắc nghiệt; diễn biến sinh thái hoặc thời tiết bất ngờ; các loại xâm lấn - ngoại lai hoặc các loại siêu phổ biến; xây dựng và phát triển.

Các đại biểu đã thảo luận về di sản thiên nhiên, di sản văn hóa khảo cổ và văn hóa đô thị: Các vấn đề đang gặp phải trong việc thực hiện 5 mục tiêu chiến lược của Kế hoạch toàn cầu (bảo tồn, nâng cao năng lực, nâng cao tính tin cậy, thông tin và cộng đồng); các hành động, kế hoạch cần thiết để đẩy mạnh hiệu quả của khu di sản trong việc thực hiện 5 mục tiêu chiến lược; sắp xếp thứ tự ưu tiên của các hoạt động đó; xác định nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động đề xuất. Từ đó, các đại biểu đã đưa ra ý kiến nhằm quản lý và bảo tồn một cách hiệu quả nhất các di sản thế giới ở Việt Nam.

Nguồn: Cinet