Dán Nhãn tiết kiệm năng lượng: Nắm bắt các lợi ích môi trường, kinh tế và xã hội

Cập nhật: 14/03/2012
Dán Nhãn TKNL đối với doanh nghiệp, chính là “giấy thông hành” giúp cho các sản phẩm sản xuất ra “phủ sóng” nhanh hơn đến người tiêu dùng, nhất là trong thời kỳ ngày càng nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng thiết bị TKNL.

Dán nhãn tiết kiệm: Không thể chậm chễ !

 

Theo kết quả thống kê của Bộ KH&CN, có hơn 90% các thiết bị và công nghệ sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam là những thiết bị, công nghệ lạc hậu, lạc hậu hơn so với các nước từ 2 đến 3 thế hệ. Vì vậy việc tổ chức sản xuất tạo ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng là mơ ước của nhiều doanh nghiệp.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện còn sử dụng hơn 30 triệu bóng đèn tròn và 50 triệu đèn ống huỳnh quang thông thường. Mức tiêu thụ điện chiếu sáng cao hơn 25,3% so với thế giới. Nếu thay thế hệ thống chiếu sáng cũ bằng bóng đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện tử, đèn 2 công suất, mỗi năm có thể tiết kiệm được hơn 7.000 tỷ đồng.

Vài năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã bắt đầu triển khai thí điểm dán Nhãn năng lượng tự nguyện cho một số sản phẩm đèn tuýp, đèn compact, balast, quạt điện… Tuy nhiên, đến năm 2011, khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, hoạt động này mới được triển khai mạnh mẽ. Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, từ năm 2013, lộ trình dán Nhãn TKNL được áp dụng với 5 nhóm sản phẩm: Nhóm các sản phẩm gia dụng sẽ bắt buộc dán Nhãn sau ngày 1/1/2013, nhóm thiết bị văn phòng và thương mại bắt buộc từ ngày 1/1/2015, nhóm thiết bị công nghiệp bắt buộc từ ngày 1/1/2013, nhóm phương tiện giao thông - vận tải sẽ dán nhãn sau năm 2015, nhóm sản phẩm vật liệu TKNL bắt buộc dán Nhãn sau ngày 1/1/2015.

 

Bảo vệ môi trường, kinh tế bền vững

 

Hiệu quả rõ ràng của các hoạt động TKNL là không phủ nhận. Mới đây (7/3/2012), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã tổ chức Hội thảo cấp cao Báo cáo phát triển công nghiệp 2011 về  sử dụng năng lượng hiệu quả để tạo ra của cải bền vững.

Ở góc độ bảo vệ môi trường, các chuyên gia tham vấn chỉ ra rằng, giảm tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp có tầm quan trọng rất lớn góp phần giảm phát thải nhà kính và biến đổi khí hậu. Thực tế, sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp có thể giúp giảm phát thải CO2 khoảng 1,3 GTOE, tương đương giảm phát thải toàn cầu 4% so với mức phát thải 2006.

Riêng về góc độ kinh tế, hàng năm chi tiêu cho tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp khoảng 1 nghìn tỷ USD, trong đó các nước đang phát triển chiếm 55%. Đầu tư cho các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lớn, thời gian thu hồi vốn chỉ khoảng 30 tháng. Ngoài ra sử dụng hiệu quả năng lượng còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh do chất lượng sản phẩm tốt hơn, năng suất tăng, giảm nguyên liệu đầu vào.

Những năm gần đây hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp đã tăng rõ rệt. Cường độ sử dụng năng lượng trong công nghiệp đã giảm trung bình 1,7%/năm. Tuy nhiên khoảng cách hiệu quả sử dụng năng lượng giữa các nước đang phát triển với các nước có nền kinh tế phát triển vẫn là khá xa. Do vậy, ở các nước đang phát triển, tiềm năng TKNL trong công nghiệp vẫn còn rất cao. Trong đó, tiềm năng TKNL đối với ngành thép là 30%, ngành giấy và bột giấy là 20%, ngành thực phẩm đồ uống là 40%. Với các ngành khác, tiềm năng ước tính khoảng 25 - 40%.

 

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

 

Theo quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, đến năm 2020, nhu cầu điện năng trong nước sẽ tiếp tục tăng từ 15 - 20% mỗi năm. Với mục tiêu tiết kiệm khoảng 5 - 8% năng lượng cho giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phổ biến thông tin, kinh nghiệm, dán nhãn năng lượng cho các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng…

Thông tin mới nhất của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp thực hiện dán Nhãn trước 01/01/2013 sẽ nhận được những ưu đãi. Khi tham gia Chương trình dán Nhãn năng lượng, thay vì phải trả một số tiền “khổng lồ” cho truyền thông, quảng cáo, các doanh nghiệp sẽ được tham gia miễn phí các chương trình truyền thông do Bộ Công Thương tổ chức. Đáng chú ý, các sản phẩm được dán Nhãn TKNL sẽ được ưu tiên lựa chọn trong các chương trình mua sắm công của Nhà nước. Điển hình đối với sản phẩm quạt điện, mặc dù, mới chỉ có 3 doanh nghiệp được dán Nhãn là Công ty cổ phần Quạt Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Liên Hiệp, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tân Tiến SK, nhưng các sản phẩm quạt điện được dán Nhãn của các doanh nghiệp này hiện chiếm khoảng 40% thị phần tiêu thụ các sản phẩm quạt điện trong nước.

Doanh nghiệp tham gia dán Nhãn vào thời điểm khuyến khích dán Nhãn TKNL sẽ được hỗ trợ 30% chi phí kiểm định, tối đa không quá 60 triệu đồng/doanh nghiệp. Sau năm 2013 khi việc dán Nhãn được thực hiện bắt buộc, doanh nghiệp sẽ không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào khi thực hiện dán nhãn năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ điện.

Nguồn: monre.gov.vn