Quy chế được áp dụng cho toàn bộ khu phố cổ có diện tích 100ha, phía bắc giáp phố Hàng Đậu, phía đông giáp phố Trần Quang Khải, phía tây giáp phố Phùng Hưng, phía nam giáp phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng. Khu phố cổ gồm 80 ô được chia thành 2 khu vực, khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1 giới hạn bởi các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Nhật Duật, diện tích khoảng 19ha.
Chiều 19/3, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp tổ chức hội thảo xây dựng "Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội".
Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 2 là các phố còn lại. Quy chế đề xuất, các công trình ở lõi trung tâm (giới hạn bởi các phố Chả Cá, Lương Văn Can, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiệp, Hàng Đậu) sẽ phục dựng mặt đứng theo hình thức truyền thống. Bảo tồn lớp nhà ngoài với công trình kiến trúc có giá trị. Công trình xây mới phải phù hợp chiều cao từng tầng, hình thức kiến trúc công trình liền kề và đoạn phố. Các chức năng được khuyến khích là tôn giáo, bán sản phẩm truyền thống… Các chức năng giới hạn là kho, xưởng sản xuất, quán bar, khách sạn. Các chức năng không cho phép: Cầm đồ, siêu thị, tổ hợp thương mại, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, thuần phong mỹ tục. Khôi phục sinh hoạt của người dân theo tính chất tuyến phố.
Quy chế đề xuất hình thành phố đi bộ: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân; Hàng Buồm, Mã Mây; Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến,Tạ Hiện, Đào Duy Từ. Đến năm 2020, dân cư trong khu phố cổ giảm, còn khoảng 50.000 người. Quy chế cũng thống kê danh mục công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, trong đó có 237/1.153 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Khu phố cổ hiện lưu giữ nhiều giá trị vật thể, phi vật thể, với nhà hình ống, nhiều lớp, phố nghề truyền thống phát triển mạnh…