Chiều 22/3, tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Vườn Quốc Gia (VQG) Bù Gia Mập đã tổ chức Hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học khu vực VQG Bù Gia Mập và khu vực giáp ranh tỉnh Đắk Nông.
Theo điều tra mới nhất: Hệ thực vật tại VQG này có 1.096 loài, bao gồm 101 loài khuyết thực vật, 6 loài thực vật hạt trần và 989 loài thực hạt kín, trong đó bao gồm 1.035 loài thuộc 486 chi và 125 họ, đã được định tên đến loài. Khảo sát thực địa của các nhà khoa học, giúp xác định vị trí phân bố của 9 loài thực vật bị đe dọa ở mức toàn cầu đang có mặt tại VQG. Đây cũng là điểm nóng về đa dạng động vật, loài có xương sống ở cạn có hơn 70 loài, động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và danh mục các loài bị đe dọa toàn cầu.
Cùng với VQG Cát Tiên, đây là nơi có quần thể chà vá chân đen và vượn má vàng lớn nhất Việt Nam đang sinh sống. Bò tót và thú ăn thịt, có khoảng 15 đến 20 cá thể, bao gồm cá thể đực, cái, trưởng thành, gần trưởng thành và non, hoạt động ở hầu hết diện tích của VQG. Thú ăn thịt rất đa dạng với 28 loài được ghi nhận, trong đó có 16 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam và 14 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Tại VQG còn xuất hiện nhiều loài thú ăn thịt lớn như hổ, báo hoa mai, báo gấm, gấu ngựa, gấu chó là những loài bị đe dọa tuyệt chủng rất cao.
Tại Hội thảo, Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển (CBD), Viện Sinh học nhiệt đới đã đưa ra nhiều giải pháp, nhằm nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ VGQ Bù Gia Mập, thu hút người dân tham gia vào các hoạt động bảo tồn da dạng sinh học; trong đó chú trọng tăng cường phối hợp giữa cán bộ VQG, chính quyền địa phương, kiểm lâm, bộ đội biên phòng, công an và các cơ quan chức năng có liên quan khác. Các đại biểu cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng một cơ chế quản lý chia sẻ bền vững tài nguyên rừng với cộng đồng, triển khai một số mô hình thí điểm về nuôi động vật hoang dã, trồng thực vật hoang dã tại địa phương, nhằm giảm áp lực lên nguồn động, thực vật tự nhiên. Bên cạnh đó phải xây dựng một chương trình gìn giữ và phát triển văn hóa bản địa kết hợp với du lịch sinh thái tại cộng đồng vùng đệm của VQG, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.
Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập có diện tích 26.032 ha, là khu vực chuyển tiếp giữa cao nguyên và vùng đồng bằng trong đoạn cuối dãy Nam Trường Sơn, nơi có diện tích rừng lớn nhất còn sót lại của Bình Phước, giáp Đắk Nông và Campuchia.