Định hướng phát triển du lịch Cần Giờ đến năm 2015

Cập nhật: 04/04/2012
Cần Giờ là vùng đất rất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và cũng là huyện duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh có rừng ngập mặn.

Với thế mạnh đó, huyện Cần Giờ đã xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch, bao gồm: Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá của huyện; phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao.

Đến năm 2015, du lịch sinh thái Cần Giờ phấn đấu đạt tổng doanh thu tăng trưởng bình quân hàng năm trên 25%; mức tăng trưởng bình quân về số lượng khách từ 15-20%/năm; phấn đấu hoàn thành đầu tư mới, nâng cấp và đưa vào khai thác các công trình trọng điểm để phát triển du lịch như: Công trình đầu tư hạ tầng khu du lịch sinh thái biển Cần Thạnh; công trình đầu tư hạ tầng khu du lịch sinh thái biển Long Hòa; công trình khu di tích lịch sử căn cứ rừng sác; khu di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ; bến tàu du lịch Dần Xây - Long Hòa, Tắc Xuất - Cần Thạnh; công trình xây dựng tuyến đường và bến tàu Lâm Viên- Đồng Đình; hoàn thành giai đoạn 1 khu đô thị lấn biển Cần Giờ (600ha). Huyện Cần Giờ cũng quy hoạch du lịch trên địa bàn thành 3 khu bao gồm: khu du lịch lấn biển Cần Giờ 821ha tại xã Long Hòa; khu du lịch dã ngoại, nghỉ dưỡng tại xã Long Hòa, quy mô 46,8ha và Viện dưỡng lão tại xã Bình Khánh 0,5ha.

Các sản phẩm du lịch chính của Cần Giờ sẽ là du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch đường sông, du lịch tín ngưỡng và phát triển mô hình làng nghề truyền thống đưa vào phục vụ du lịch.

Nguồn: SVHTTDL TPHCM