Chuyển biến trong quản lý và tổ chức lễ hội

Cập nhật: 06/04/2012
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội lễ hội từ đầu năm đến nay được ghi nhận có sự tiến bộ lớn. Các lễ hội diễn ra đều trong tầm kiểm soát, đảm bảo chất lượng cũng như an ninh trật tự.

Đó là ghi nhận tại “ Hội nghị sơ kết Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2012” do Bộ VHTTDL tổ chức mới đây tại Quảng Ninh với sự tham dự của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái .

Chuyển biến mạnh mẽ 

Theo đánh giá, ngay từ đầu năm , các lễ hội đã thu hút được một lượng lớn du khách và tăng hơn hẳn so với những năm trước. Công tác quản lý nhà nước về lễ hội được phát huy nên tạo sự chuyển biến mạnh. Cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú dịch vụ tại các di tích gắn với lễ hội được quan tâm nâng cấp, đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Các trò chơi, trò diễn dân gian được phục hồi đã góp phần phục hưng giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống. Công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan văn hoá lễ hội ngày một tốt hơn. Nhiều hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội đã từng bước được khắc phục, nhất là tệ mê tín dị đoan và nạn hành khất đeo bám du khách. Vấn đề về bến bãi, trông giữ phương tiện, giải tỏa lều quán lấn chiếm đã được các ban tổ chức triển khai đảm bảo an toàn giao thông...

Giám đốc Ban quản lý danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) Nguyễn Trung Hải chia sẻ: Ở Yên Tử, từ nhiều năm nay, luôn chú trọng công tác vệ sinh môi trường. An toàn đối với du khách được đảm bảo, giao thông được thông suốt. Từ đầu xuân, cao điểm, Yên Tử có ngày đón 8,5 ngàn lượt khách nhưng không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông... Ông Nguyễn Ngọc Minh- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang thì cho biết, tại địa phương này, đã tiết kiệm được nguồn kinh phí trong công tác tổ chức lễ hội. Không có hiện tượng mê tín, tiêu cực trong lễ hội. Vấn đề an toàn lễ hội cũng được bảo đảm. Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang cũng như ngành văn hóa sẽ nỗ lực để đưa lễ hội thực sự là của nhân dân.

Lễ hội chùa Hương 2012. Ảnh: Thế Phi

Đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL đánh giá: Năm nay, được sự chỉ đạo của Chính phủ và sự sát sao của Bộ VHTTDL cũng như các lãnh đạo địa phương , công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã chuyển biến tích cực và thu hút được ngày càng nhiều khách đến tham quan. Qua kiểm tra 52 lễ hội với 52 di tích trên 18 tỉnh, thành cho thấy, UBND các tỉnh, thành đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các hoạt động lễ hội.

Sẽ chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng tiêu cực

Tuy nhiên, hoạt động lễ hội vẫn còn những hạn chế. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vẫn xảy ra như tại lễ hội Chợ Viềng (Nam Định), tệ nạn đánh cờ bạc vẫn xảy ra như ở Hội Lim- Bắc Ninh, Hội Gióng – Hà Nội. Cá biệt có hiện tượng gây phản cảm cho du khách như diễn viên hát quan họ vừa hát vừa ngả nón xin tiền (Hội Lim).

Việc xử lý tiền công đức chưa minh bạch, hay dâng và đốt nhiều đồ mã ở một số chùa gây ô nhiễm môi trường...cũng còn xảy ra.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Tiền công đức, tiền giọt dầu tại các đền chùa sẽ do địa phương đó quản lý. Nhà nước không thu tiền đó về ngân sách. Sắp tới, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các địa phương có di tích nghiên cứu, tìm hiểu mô hình quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu một cách hiệu quả để đi đến sự thống nhất và đồng bộ, tránh sự tư lợi cá nhân và sử dụng sai mục đích.

Lễ hội chùa Hương 2012. Ảnh: Thế Phi

Về việc đốt vàng mã trong tín ngưỡng tâm linh của người dân- đây là sự độc đáo, một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc chúng ta cần giữ gìn. Nhưng, không thể lợi dụng điều đó để tín ngưỡng thoái quá, đem đồ mã (nhà lầu, xe hơi...) ra đền chùa, nơi công cộng đốt gây ô nhiễm môi trường và làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan, thiên nhiên. Ông khẳng định lại: Nhà nước vừa rồi có ra quyết định cấm đốt “đồ mã’ tại các điểm đền chùa, di tích, nơi công cộng chứ không phải là cấm người dân đốt “vàng mã’.

Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý trước, trong và sau lễ hội, khắc phục yếu kém trong quản lý, nhân lên những nét đẹp trong lễ hội.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, có cơ chế phối hợp chặt chẽ, chế độ trách nhiệm rõ ràng, tăng cường vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực để lễ hội phát triển lành mạnh, đúng hướng.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: “Gần 8.000 lễ hội truyền thống trong cả nước là những di sản văn hoá cực kỳ quý báu, cần có biện pháp để phát huy tốt nhất, đúng ý nghĩa các lễ hội, vừa tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.

Hậu Nguyễn

 

Nguồn: DLO