Phát huy tài nguyên văn hóa vào du lịch - Hướng đi cần được mở rộng xứ Trầm Hương

Cập nhật: 17/04/2012
Với sự đa dạng về mặt địa lý cùng bề dày lịch sử, văn hóa, từ lâu, Khánh Hòa đã trở thành vùng đất có sức hút đặc biệt. Tài nguyên văn hóa để phát triển loại hình du lịch nhân văn ở xứ Trầm Hương rất phong phú và cũng đã được quan tâm khai thác. Tuy nhiên, hướng đi đó chỉ mới được khai phá, rất cần một cú hích để mở rộng.


Tài nguyên văn hóa của vùng đất Khánh Hòa có chiều rộng lẫn chiều sâu. Trước hết, đó là những di tích văn hóa khảo cổ học với hàng loạt di chỉ được phát hiện như: Xóm Cồn, Hòa Diêm, Vĩnh Yên, Văn Tứ Đông. Các hiện vật tìm thấy ở những di chỉ này đã minh chứng cho sự xuất hiện của người Việt cổ trên vùng đất Khánh Hòa; đồng thời cho thấy tính chất giao lưu, giao thời giữa các nền văn hóa, thời kỳ văn hóa. Loại hình di tích lịch sử ở Khánh Hòa cũng rất đa dạng với khu tưởng niệm bác sĩ A.Yersin, thành cổ Diên Khánh, lầu Bảo Đại, biệt thự Cây Bàng, đền thờ Hùng Vương, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Trần Quý Cáp, miếu thờ Trịnh Phong… Đây là những di tích gắn liền với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam. Qua những di tích này, mọi người sẽ hiểu hơn về lịch sử cũng như đời sống tâm linh, tình cảm của người dân Khánh Hòa. Các loại hình di tích văn hóa - nghệ thuật trên vùng đất Khánh Hòa có: Tháp Bà Ponagar, văn miếu Diên Khánh, phủ đường Ninh Hòa, Am Chúa, lăng Bà Vú, đình Phú Cang, chùa Long Sơn… Các di tích này đã cho thấy những giá trị kiến trúc độc đáo của người Chăm cũng như những giá trị tinh thần và một phần truyền thống của xứ Trầm Hương. Những thắng cảnh thiên nhiên ở Khánh Hòa như: Hòn Chồng, Hòn Đỏ, Hòn Hèo, Đất Đỏ, thác Tà Gụ… không chỉ đẹp mà còn huyền ảo bởi các truyền thuyết. Hàng năm, người dân Khánh Hòa long trọng tổ chức nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội Tháp Bà, lễ hội Am Chúa, lễ hội chiến thắng Bạch Đằng, giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội cầu ngư (diễn ra ở đình, miếu của các làng biển). Festival Biển diễn ra 2 năm/lần với những hoạt động văn hóa, thể thao, hội thảo, giao lưu phong phú, góp phần không nhỏ vào việc đưa hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa đến với bạn bè trong và ngoài nước. Mặt khác, các làng nghề truyền thống cũng là một loại tài nguyên văn hóa với những nét đặc trưng như: làng dệt chiếu Mỹ Trạch (thị xã Ninh Hòa), làng gốm Lư Cấm (TP. Nha Trang), làng đúc đồng Phú Lộc (huyện Diên Khánh)… Đây là những điểm đến hấp dẫn nếu chúng ta biết khai thác. Các loại hình văn hóa phi vật thể như: hát tuồng, biểu diễn bài chòi, đàn đá, sử thi Raglai… với những nét văn hóa đặc trưng của các tộc người sinh sống trên địa bàn Khánh Hòa luôn tạo được sức hút mạnh mẽ.

Có thể thấy, tài nguyên văn hóa ở vùng đất Khánh Hòa thừa điều kiện để phát triển loại hình du lịch nhân văn. Tuy nhiên, khai thác nó như thế nào đang là điều khó khăn. Thực tế lâu nay, ở Khánh Hòa mới chỉ có một số lễ hội dân gian, một số danh thắng, di tích được đưa vào hoạt động du lịch. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những hoạt động bề nổi, thiếu chiều sâu. Mấu chốt của vấn đề trước hết là sự thiếu hụt nguồn nhân lực để phục vụ cho sự phát triển của loại hình du lịch này. Có được nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác các loại hình du lịch tự nhiên đã khó, việc tìm nguồn nhân lực du lịch nhân văn lại càng khó hơn. Bởi lẽ, ngoài những yêu cầu cơ bản về du lịch, nguồn nhân lực này phải có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa các tộc người, di sản văn hóa, lịch sử, đặc biệt là tình yêu với vùng đất, con người địa phương. Yêu cầu đặt ra đối với việc khai thác loại hình du lịch nhân văn chính là đảm bảo cho người dân địa phương nhận được những chính sách, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như các đơn vị lữ hành, nhất là việc nâng cao trình độ dân trí.

Muốn giải quyết được bài toán mở rộng loại hình du lịch nhân văn, nên chăng, chúng ta cần thiết kế các tour du lịch dài ngày để du khách vừa được nghỉ dưỡng, lưu trú và cùng sinh hoạt tại nhà của người dân địa phương hay trong các làng sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm được điều đó sẽ giúp du khách, nhất là khách nước ngoài có đủ thời gian để trải nghiệm và hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa vốn có của địa phương. Việc đưa các giá trị văn hóa tộc người vào hoạt động du lịch nhân văn nhằm góp phần giao lưu văn hóa, đặc biệt là nâng cao ý thức xã hội trong việc bảo tồn văn hóa./.

Nguồn: Báo Khánh Hòa