Nhận định này được đưa ra tại buổi tọa đàm “Vai trò và sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng” do Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA) và Viện Rosa Luxemburg (Đức) phối hợp tổ chức chiều 27/4 tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự tọa đàm nhất trí rằng Việt Nam đang là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH, mực nước biển mỗi năm dâng lên 25cm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân ven biển; gây nên tình trạng lũ quét, mưa nhiều, thiên tai năm sau nhiều hơn năm trước…
Cùng với các cơ quan nhà nước, NGOs Việt Nam đã góp phần tích cực trong việc ứng phó với BĐKH. Với thế mạnh riêng biệt, các NGOs đã triển khai nhiều dự án, chương trình tại cộng đồng cũng như các nghiên cứu, vận động chính sách nhằm hỗ trợ ứng phó với BĐKH như: Chống xói mòn; đồng quản lý rừng dựa vào cộng đồng; trồng rừng ngập mặn chống sạt lở bờ biển; truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực về BĐKH cho cộng đồng; thúc đẩy việc lồng ghép BĐKH vào sinh kế của các cộng đồng dân cư…
Tuy nhiên số lượng NGOs Việt Nam tham gia vào thích ứng với BĐKH và nước biển dâng chưa nhiều, hoạt động còn lẻ tẻ, phân tán, đôi khi còn chồng chéo, gây ra lãng phí, thậm chí chưa được đánh giá đúng mức từ phía các cơ quan chức năng.
Các đại biểu mong muốn VUSTA là cơ quan tập hợp các NGOs làm việc về BĐKH để tạo tiếng nói chung, tác động tích cực đến chính sách của nhà nước về lĩnh vực này; Tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa NGOs trung ương và cấp địa phương, triển khai 2 mô hình điểm ở Bắc bộ và Trung bộ. Đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và tập trung đầu tư có hiệu quả cho BĐKH.