Đã thành thông lệ, cứ hai năm một lần, Cư M’gar lại tổ chức Ngày hội các làng văn hóa toàn huyện. Năm nay, “đến hẹn lại lên”, bà con các dân tộc trong huyện và vùng lân cận cùng du khách lại háo hức chào đón Ngày hội lần thứ VI
Trong không khí sôi động nhân kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5… Sân vận động trung tâm huyện Cư M’gar rực rỡ sắc màu bởi cờ xí, bóng bay, thổ cẩm, hoa văn trang trí của 53 trại (đại diện cho 97 thôn, buôn, làng được công nhận là làng văn hóa trong huyện) cùng trang phục truyền thống của đồng bào 26 dân tộc anh em trên địa bàn và hàng nghìn người dân, du khách về dự. Ngày hội các làng văn hóa của huyện. Mọi người được hòa mình trong không khí vui tươi, náo nhiệt với rất nhiều hội thi như: dựng trại, người đẹp các làng văn hóa, văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng, dệt vải, làm rượu, nấu ăn, và các trò chơi dân gian: đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, đi cà kheo, ném còn…
Mở đầu lễ hội là hội thi “ Người đẹp các làng văn hóa”, mỗi trại cử một cô gái đẹp nhất làng tham dự, chọn 15 cô gái xinh đẹp nhất của các dân tộc Êđê, Xê Đăng, Dao, Kinh, Tày, Nùng, Thái… tham gia vòng chung kết. Dù bước đi, dáng vẻ còn bối rối, ngượng nghịu, nhưng trong những bộ trang phục truyền thống với những đường hoa văn uốn lượn đỏ, đen của người Êđê, Xê Đăng; nhung đen tuyền trang trí hoa văn trắng xanh của các cô gái Tày, Nùng; màu sắc rực rỡ của khăn, yếm cùng những mảng hoa văn đủ bảy sắc cầu vồng được thêu tay công phu của các bạn gái Dao đỏ, hay tà áo dài truyền thống của người Việt, bộ váy dạ hội thướt tha, sang trọng…các thiếu nữ dường như đằm thắm, rực rỡ, lộng lẫy hơn, làm dấy lên lòng tự hào của bà con dân làng có thiếu nữ dự thi…
Hội thi văn nghệ là tập hợp của những âm hưởng, sắc màu trang phục của đủ mọi vùng miền đất nước. Người xem đều tìm thấy ở đây những làn điệu của quê hương mình: mênh mang cùng điệu hát Ay ray của dân tộc Êđê; dặt dìu cùng tiếng si, tiếng lượn của dân tộc Tày; thả lòng mình với tiếng hát chèo của người Thái Bình; tình tứ đắm mình trong điệu hát then của đồng bào dân tộc phía Bắc; sâu lắng cùng làn điệu ví dặm của người xứ Nghệ; sôi nổi, rộn ràng với điệu hát bài chòi của người Quảng Nam...
Các nghệ nhân dệt thổ cẩm cũng “trình làng” những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Bên cạnh màu sắc thổ cẩm Êđê giản dị với 2 màu chủ đạo đỏ, đen là sắc màu rực rỡ với nhiều hoa văn tinh tế của thổ cẩm người Thái, người Dao, nét nền nã, hài hòa của thổ cẩm M'nông... Bà H’Hoa Ksơr - phụ trách văn hóa dân tộc của Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Cư M’gar cho biết: “Huyện thường xuyên tổ chức các lớp dạy dệt thổ cẩm, đã có 5 xã thành lập được nhà dệt thổ cẩm. Hội thi nhằm động viên các nghệ nhân giữ gìn, phát huy nghề cổ truyền này, đồng thời khuyến khích giới trẻ học nghề dệt thổ cẩm để bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn…”.
Những người phụ nữ nội trợ khéo tay, hay làm đã mang đến hội thi ẩm thực những món ăn đặc sản, dân dã mà độc đáo của đồng bào, vùng miền quê hương mình cùng với những bài thuyết minh đầy ý nghĩa. 53 trại đều cử người thi tài nấu bếp. Bên cạnh những món ăn truyền thống đầy vị cay và đắng của người Êđê là vị thơm của cơm lam người Nùng, vị chát từ món chuối chằng của người Quảng Nam... Ngoài ra, còn có những món ăn đặc biệt của dân tộc Tày như: phung sàng (lòng heo nhồi thịt nướng); Nàm khau (thịt ba chỉ hấp khoai rừng); sắc phát (lá lốt cuốn thịt ếch và trứng). Người Thái ở xã Ea Kuêh tự hào món pất cháo (vịt nhồi mác mật áp chảo) thơm phức. Nhóm phụ nữ người Dao ở thôn 3 xã Cư Suê có món Chay châu th’lung (gà nấu gừng và hèm ngọt) mùi vị vừa quen vừa lạ. Nhóm đầu bếp Xê Đăng thu hút khách không chỉ cơm nếp lam mà còn cả những món nấu trong ống nứa khác như ung pok (măng khô thịt gà), nay y, nay ú (gà nướng, heo nướng)… Mỗi món ăn lại được các đầu bếp tài ba giới thiệu với những tính năng và ý nghĩa đặc biệt hấp dẫn khiến Ban giám khảo thật khó lựa chọn trao giải, như cô gái Êđê H’Nguyên A Yun ở buôn Cuôr Dăng, xã Cuôr Dăng thuyết minh cho mâm cơm của mình với gà nướng chấm muối ớt xanh giã lá cam, cà đắng nấu cá khô, cơm nắm lá chuối, lá rừng Djam Blê xào ớt đỏ…
Bên cạnh các trại cũng tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn như: kéo co (giữa các trại), ném còn, giã gạo theo tiết tấu âm nhạc (trại buôn Thái, xã Ea Kuêh), diễn tấu cồng chiêng, đi cà kheo, nhảy bao bố…(của các trại buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các xã Cuôr Dăng, Cư Suê, Klê Mông…). Bà Ngàn Thị Thúy (buôn Thái, xã Ea Kuêh) phấn khởi nói: “Tham gia Ngày hội mình biết thêm văn hóa của nhiều dân tộc khác, lại được khoe tài dệt vải, múa hát, giã gạo theo nhạc. Mong năm nào huyện cũng tổ chức, không chỉ vui mà ý nghĩa lắm, các dân tộc anh em đang chung sống trên mảnh đất này sẽ thêm hiểu nhau, thêm đoàn kết…”.
Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết: Huyện Cư M’gar có 184 thôn buôn với gần 170.000 người dân, trong đó có 36% là người dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây dù cư trú lâu đời tại chỗ hay từ nơi khác đến cũng đều lưu giữ khá nhiều vốn văn hóa dân gian như: sử thi, kể khan, các lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, dệt thổ cẩm, lễ hội Lồng tồng, hát Then, … khiến đời sống văn hóa cộng đồng trên địa bàn thêm đa dạng, phong phú. Để góp phần bảo tồn vốn văn hóa đặc sắc ấy, UBND huyện đã chỉ đạo các ban phòng chức năng duy trì và đẩy mạnh việc tổ chức các hội thi, liên hoan; mở các lớp đào tạo và lưu giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục, các món ăn, tục lệ cúng bái… Lễ hội các làng văn hóa của huyện được tổ chức 2 năm một lần cũng là một trong những nỗ lực để góp phần bảo tồn nền văn hóa đa sắc tộc ấy trên địa bàn… Năm nay, Ngày hội đã thu hút hơn 1.500 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 53 thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tham gia. Thông qua hội thi, các phong tục truyền thống, văn hóa vùng miền… được truyền tải đến người dân hết sức sinh động, qua đó, tính dân tộc là tiêu chí hàng đầu để đánh giá, tranh tài. Đồng thời, cũng là dịp để 26 dân tộc anh em trên địa bàn giới thiệu, tôn vinh vốn văn hóa đặc sắc và thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.