Miền Tây Nam Bộ có tiềm năng du lịch rất lớn. Ðó là vùng đồng bằng rộng lớn với những làng quê, miệt vườn trù phú cùng những dòng sông, kênh rạch chằng chịt, bên các cù lao và rừng tràm ngập nước, mang vẻ đẹp hoang sơ.
Những năm gần đây, du lịch vùng đang từng bước được khai thác và phát triển. Những ngày đầu hè, chúng tôi tham gia một tua du lịch của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist hợp tác Hãng hàng không VietJet Air tổ chức từ Hà Nội đi thăm một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngồi trên chiếc xe ô-tô đưa chúng tôi về miền tây, dấy lên trong mỗi chúng tôi những cảm giác thật mới lạ.
Cảnh phố xá náo nhiệt, hiện đại cứ lùi xa dần, thay vào đó là những đồng lúa rộng mênh mông, không khí thoáng đãng của đồng quê ùa vào bao bọc. Nhớ lại trước đây, mỗi lần đi Cần Thơ đều phải đi qua hai bến phà, chờ đợi ba, bốn giờ đồng hồ mới qua được. Nay con đường đã được chạy một mạch thênh thang, thẳng tắp, với hai cây cầu hiện đại bắc qua sông Tiền và sông Hậu, điểm xuyết cho vẻ đẹp sông nước, miệt vườn.
Ðặc trưng của du lịch Tiền Giang là du lịch sinh thái. Các miệt vườn nối tiếp nhau dài tít tắp với đủ các loại cây trái như: chôm chôm, bưởi, xoài, vú sữa. Cù lao Thới Sơn, một vùng chuyên canh cây ăn trái, được ví như viên ngọc quý ở hạ lưu sông Tiền. Du khách xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp và những hàng thủy liễu ven sông. Cũng giống như Tiền Giang, các tua du lịch ở Cần Thơ cũng chủ yếu là trên sông nước và các vườn cây ăn trái.
Do hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông, Cần Thơ được ví như "Ðô thị miền sông nước". Ấn tượng nhất với chúng tôi và nhiều du khách là rừng tràm Trà Sư ở An Giang vẫn còn khá nguyên sơ mang đậm nét du lịch miền tây. Du khách đi bằng xuồng máy hoặc thuyền len lỏi theo những lối đi nhỏ qua khu rừng với những cây tràm cổ thụ, những cây thủy liễu mềm mại soi mình dưới mặt nước trong xanh. Trên cây là những tổ cò, tổ nhạn với các đàn chim hàng trăm con đậu kín trên những cành tràm.
Sau khi đi thuyền xuyên rừng tràm, du khách đến tháp ngắm cảnh nhìn toàn cảnh rừng Trà Sư mênh mông, xanh ngát và có thể quan sát cảnh sinh hoạt của vô số loài chim, cò qua hệ thống ống nhòm được bố trí sẵn trên tháp. Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã cùng với sự thanh bình, yên tĩnh, rừng Trà Sư là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách mỗi khi đến An Giang. Ở miền Tây Nam Bộ, ghe, xuồng là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, giống như xe máy ở chốn thành thị, khiến cho đặc trưng của du lịch miền sông nước có nét độc đáo riêng.
Bên cạnh những đặc trưng du lịch của miền sông nước, du lịch miền Tây Nam Bộ đã và đang khai thác nét văn hóa thể hiện qua sinh hoạt cuộc sống thường ngày của người dân. Nhu cầu của du khách ngày càng tăng, không chỉ dừng ở chỗ thưởng ngoạn thiên nhiên mà còn muốn tìm hiểu, khám phá cuộc sống của con người trong khung cảnh thiên nhiên đó. Trong chuyến đi, chúng tôi được tham quan chợ nổi Cái Răng của Cần Thơ. Chợ nổi được họp ngay trên sông, đáp ứng nhu cầu mua bán trái cây của một vùng rộng lớn có từ xa xưa. Cùng với chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng lâu nay được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong hai chợ trên sông nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ. Nhiều người cho rằng đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết gì về "Tây Ðô".
Nằm cách trung tâm Cần Thơ chưa tới năm, sáu cây số, giữa vùng sông nước mênh mông, chợ họp đông nhất vào lúc sáu giờ sáng và kết thúc vào lúc tám, chín giờ với hàng trăm ghe lớn nhỏ, mua bán đủ các loại trái cây và nông sản. Trên mỗi thuyền, người ta cắm một cây sào rồi treo các mặt hàng muốn bán ở trên đó. Chỉ cần nhìn lướt qua, người mua dễ dàng nhận ra, tìm đến mặt hàng cần mua.
Quang cảnh mua bán thật nhộn nhịp. Bên cạnh những thuyền mua bán hàng còn có những chiếc thuyền phục vụ ăn uống, có đủ hủ tiếu, cà-phê, thuốc lá, bia, tạp phẩm len lỏi khắp nơi phục vụ khách có nhu cầu. Du khách vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật tươi nguyên ngay trên chính chiếc ghe hàng của người dân nơi đây. Ngày nay, mặc dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp, nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển, thậm chí ngày một sầm uất hơn, trở thành nét đặc trưng văn hóa của vùng sông nước Cửu Long. Và đó cũng chính là điểm đến thu hút được nhiều du khách.
Một nét văn hóa níu kéo du khách trong những chuyến đi về miền tây là được thăm các di tích nhà cổ trên các cù lao sông nước như điểm nhà cổ của ông Tám trên cù lao Thới Sơn ở Tiền Giang. Ngôi nhà cổ xưa tiêu biểu có hàng cột gỗ căm xe, mỗi mái đều có chín cây đòn tay bố trí theo luật phong thủy. Cách bố trí trong căn nhà cũng theo phong cách cổ với chiếc tủ thờ xà cừ, tràng kỷ chạm trổ tinh xảo, đôi liễn chạm, câu đối sơn son thiếp vàng...
Chung quanh nhà là vườn cây hoa cảnh với nhiều bon-sai được trồng tỉa công phu. Ðến đây, người dân Thới Sơn còn giới thiệu với du khách về văn hóa ẩm thực với các món ăn: cá nướng, lẩu cá kèo, cá lóc hấp bầu, cá tai tượng chiên xù. Một công trình kiến trúc đậm nét miền tây khác là nhà cổ Huỳnh Thủy Lệ ở thị xã Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp. Ngôi nhà cổ này được dựng bằng gỗ vào năm 1895 và đến năm 1917 được sửa chữa lại. Trước đây ngôi nhà vốn là nơi ở của gia đình ông Huỳnh Thủy Lệ, người tình của nữ văn sĩ người Pháp Ma-gơ-rít Ðuy-rát (Maguerite Duras).
Mối tình này về sau được nữ văn sĩ viết thành tiểu thuyết nổi tiếng Người tình vào năm 1984 và sau đó được một đạo diễn người Pháp chuyển thể thành phim L’Amant năm 1992. Cuốn tiểu thuyết này được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ngôi nhà cổ đã được công nhận là di tích nghệ thuật kiến trúc quốc gia và thu hút rất nhiều du khách quốc tế, nhất là du khách Pháp.
Với những tiềm năng từ cảnh quan thiên nhiên đến các hoạt động văn hóa đặc trưng kể trên, nếu biết khai thác tốt nhất định du lịch miền Tây Nam Bộ sẽ phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước./.