Huế được mệnh danh là thành phố du lịch thơ mộng và yên bình. Nhưng thời gian qua, những hệ lụy xấu bởi sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh “yên bình” của thành phố này.
Trong những ngày trước khai mạc Festival Huế 2012 và Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012, nhân dân và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để lành mạnh hóa môi trường du lịch nơi đây…
Trong một hội nghị bàn về giải pháp phát triển du lịch Huế, khi nói về môi trường du lịch Huế, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phản ánh hình ảnh du lịch Huế đó là nạn chèo kéo du khách, ăn xin một cách trắng trợn, “hét” giá vé cao khi khách không biết quy đổi tiền Việt… đã liên tục diễn ra tại các bến xe Nguyễn Hoàng, bến xe phía Bắc, phía Nam, tại các điểm tham quan nhưng không có một hành động quyết liệt nào được thực hiện dẫn đến tình trạng “đâu vẫn vào đấy”.
Một vấn đề khác là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến nay có 535 cơ sở lưu trú trong đó có 200 khách sạn, 6700 phòng, trên 12.000 giường, tăng 22 khách sạn, 586 phòng, 929 giường so với năm 2010 và trên 336 nhà nghỉ với 2900 phòng, đưa tổng số phòng lưu trú hiện nay của tỉnh ta là 9600 phòng, gần 17.000 giường. Với tốc độ tăng trưởng số lượng buồng phòng không song hành với tốc độ phát triển các sản phẩm du lịch, dẫn đến tình trạng công suất phòng của các khách sạn thấp tại nhiều thời điểm trong năm. Và hệ lụy kéo theo là thay vì cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, nhiều khách sạn đã cạnh tranh bằng cách “phá rào” giảm giá triệt để lôi kéo khách. Điều này vô tình đã biến hình ảnh du lịch Huế song hành với “du lịch giá rẻ”. Bàn về vấn đề này, Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành đã từng cảnh báo các địa phương rằng “các doanh nghiệp du lịch không nên nhận khách ồ ạt, mà nên có sự phân loại, tránh tình trạng biến chúng ta thành bãi rác của người khác”.
Vấn đề nổi cộm khác dù quá cũ nhưng vẫn luôn nóng trên các diễn đàn đó chính là tình trạng biểu diễn ca Huế trên sông Hương và ẩm thực cung đình Huế hay còn gọi là cơm Vua. Hai lĩnh vực mang yếu tố văn hóa này thời gian qua đã gây lẫn lộn cho du khách về hình ảnh của một sản phẩm cao cấp hay sản phẩm đã được bình dân hóa
Giải pháp tích cực
Trước tình trạng môi trường du lịch Thừa Thiên Huế đang bị “ô nhiễm”, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thừa Thiên - Huế Ngô Hòa đã khẳng định: các phản ánh của doanh nghiệp về môi trường du lịch sẽ được giải quyết một cách triệt để, cách thức giải quyết, kết quả sẽ được đăng công khai trên website của tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế để doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh được biết để cùng chia sẻ, góp sức thực hiện vì sự trong lành cho môi trường du lịch. Cùng chia sẻ vấn đề này với tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Đình Ân – Giám đốc Công ty TNHH du lịch Bạn đường châu Á cho rằng: nên thu phí an ninh du lịch, môi trường đối với các đơn vị kinh doanh du lịch để các doanh nghiệp chia sẻ bớt gánh nặng chi phí cho tỉnh trong việc đề ra các chính sách giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Đồng thời để nâng cao hình ảnh du lịch Huế, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực lưu trú. Ngành Du lịch đang đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, trong đó sản phẩm “Mưa Huế” mà ngành Du lịch Thừa Thiên – Huế đang thực hiện sẽ tạo được bước đột phá thu hút du khách đến Huế trong mùa mưa. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế đã kết hợp với Hiệp hội khách sạn đưa ra các chế tài mạnh đối với các trường hợp doanh nghiệp giảm giá bất hợp lý. Tại các khách sạn trên địa bàn sẽ được cung cấp đường dây nóng ngay tại sảnh lễ tân để du khách và cả doanh nghiệp cạnh tranh có thể phản ánh bất kỳ trường hợp vi phạm nào.
Để sắp xếp lại dịch vụ ca Huế trên sông Hương, vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quy chế về hoạt động và tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Ngoài các quy định về thời gian biểu diễn, chất lượng chương trình, giá cả… Quy chế đã đưa ra 6 điều cấm. Cụ thể như cấm rút ngắn thời lượng, thay đổi nội dung, cấm chào bán các loại băng đĩa trái phép trong quá trình biểu diễn…
Đồng thời, để đưa hình ảnh du lịch ẩm thực cung đình Huế trở thành một sản phẩm chất lượng cao của tỉnh, hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao cho Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang – đơn vị đầu tiên nghiên cứu và đưa vào phục vụ ẩm thực cơm cung đình, xây dựng nhãn hàng ẩm thực cơm cung đình với những quy chuẩn cụ thể về hình ảnh biểu diễn, chất lượng món ăn… để đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ.