Chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề trăn trở nhất của các cấp chính quyền An Giang trong thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Một trong những cách làm hay của Hội nông dân An Giang chính là mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Tận dụng lợi thế các địa phương có thế mạnh kinh tế vườn, thắng cảnh thiên nhiên, văn hóa – lịch sử, món ăn đặc sản… Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức Nông dân Hà Lan Agriterra thí điểm triển khai mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn một số xã điểm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Ban kinh tế, Hội Nông dân tỉnh An Giang, chuyên trách dự án du lịch nông nghiệp tỉnh chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, nhu cầu du lịch sinh thái, homestay của khách du lịch trong và ngoài nước đến An Giang rất lớn, thế nhưng hầu như người dân ở các khu, điểm du lịch chưa biết tận dụng lợi thế trên để nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương. Do vậy, việc phát triển du lịch nông nghiệp, giúp người nông dân cùng kinh doanh du lịch là hướng đến phát triển nông thôn bền vững nhất”.
Kinh doanh du lịch nông nghiệp có thể nói là hình thức khá xa lạ với người nông dân từ trước đến nay, thế nhưng khi bắt đầu triển khai tại An Giang mô hình đã thu được nhiều tín hiệu tích cực.
Ông Tôn Thất Đính (ngụ ấp Mỹ An 2, Xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang) là một trong những hộ gia đình tham gia mô hình du lịch nông nghiệp đầu tiên của tỉnh chia sẻ: “Kinh doanh du lịch nông nghiệp có nhiều cái hay, trong đó cái hay lớn nhất là vẫn gắng bó với nghề nông vừa quảng bá, học hỏi văn hóa, phong tục tập quán của du khách mà còn thêm thu nhập cho gia đình. Kinh doanh du lịch là cả nhà cùng làm, cả địa phương cùng hưởng”.
Kết quả ban đầu cho thấy, các hộ tham gia mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng lợi từ vài chục triệu đồng/năm trở lên từ dự án. Mặt khác, chính từ dự án du lịch nông nghiệp đã giúp nhiều ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang dần mai một bắt đầu khởi sắc, giúp bà con làng nghề tăng thu nhập từ việc thu hút du khách tham quan đến quảng bá, mua sản phẩm, mở rộng thị trường…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân An Giang, mô hình đã giúp quảng bá hình ảnh sông nước, con người An Giang với du khách trong và ngoài nước, vừa giúp bà con tăng thêm thu nhập gia đình, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tiến bộ, bền vững theo đúng mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hiện An Giang có 15 phường, xã, thị trấn chủ yếu là các xã điểm xây dựng nông thôn mới có các hoạt động văn hóa đặc trưng và độc đáo được chọn tham gia dự án. Tổng số hộ tham gia hưởng lợi trực tiếp từ 75 đến 100 hộ - chưa kể số hộ được hưởng lợi gián tiếp từ đào tạo, cùng tham gia các dịch vụ của dự án.
Mô hình du lịch nông nghiệp tại An Giang thời gian qua dù đã đạt một số thành công bước đầu khả quan, nhưng hiện nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho công tác điều hành, quảng bá vẫn còn khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng ban kinh tế Hội Nông dân An Giang bày tỏ, chúng tôi xây dựng mô hình trên việc tận dụng lợi thế sẵn có về địa lý, con người, thắng cảnh, phong tục tập quán của bà con nông dân là chính. Nhưng con người chuyên nghiệp phục vụ cho nông nghiệp hầu như không có. Vậy nên, chúng tôi mở hướng bằng phương cách thành lập Tổ hợp tác du lịch nông nghiệp để bà con vừa làm, vừa học. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, nhất thiết phải có đội ngũ nguồn nhân lực chuyên nghiệp kinh doanh du lịch tập huấn, hỗ trợ phương cách kinh doanh, quảng bá, phục vụ du lịch nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Tôn Thất Đính (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang) nông dân tham gia mô hình du lịch nông nghiệp thừa nhận: “Chúng tôi hợp tác kinh doanh du lịch nông nghiệp chủ yếu theo cách thức “cây nhà lá vườn”, chưa thực sự chuyên nghiệp nên lượng khách vẫn chưa dồi dào và thu nhập từ du lịch vẫn còn rất hạn chế. Muốn mở rộng mô hình nhưng vấn đề là nghiệp vụ không có, nguồn vốn đầu tư… nên để phát triển mô hình đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách rất khó”.
NDĐT