Vườn quốc gia Tràm Chim – khu Ramsar thứ 2000 của thế giới

Cập nhật: 23/05/2012
Trong hai ngày 21 – 22/5/2012, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn “Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”, đồng thời đón nhận Chứng chỉ công nhận Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim (huyện Tam Nông) là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn) của thế giới.

VQG Tràm Chim nằm trong tỉnh Đồng Tháp thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong những phần cuối cùng còn sót lại của cảnh quan đất ngập nước Đồng Tháp Mười: một vùng đất ngập nước rộng lớn có diện tích khoảng 13.000 km2 trải dài trên các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An (Láng Sen) của Việt Nam và một phần của tỉnh Svay Reang thuộc Campuchia.

Đa dạng sinh học của vườn vô cùng phong phú, bao gồm hơn 230 loài chim và 130 loài cá. Trong đó sếu đầu đỏ thu hút sự quan tâm nhiều nhất, hàng năm di cư đến vườn khoảng từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 5. Hiện sếu đầu đỏ đang bị xếp vào loài đang gặp nguy hiểm trong sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Theo mô hình quản lý trước đây, nước được tích trữ thường xuyên tại Tràm Chim để phòng chống cháy. Tuy nhiên, động thực vật ở đây đã thích nghi với chu kỳ 6 tháng mùa khô và 6 tháng mùa lũ; 12 tháng tích nước sẽ làm gián đoạn quy trình tự nhiên này. Kết quả là môi trường sống bị thu hẹp và các loài biến mất. Quan trọng hơn, các cánh đồng cỏ năng (Eleocharis atropurpurea), thức ăn chính của sếu đầu đỏ, đã không mọc được bởi chế độ tích nước như vậy, dẫn đến số lượng loài chim này tại Tràm Chim giảm đáng kể. 

Từ năm 2008, WWF đã làm việc với VQG để khôi phục sinh cảnh của Tràm Chim gần với điều kiện tự nhiên của vườn như trước đây. Hoạt động này là một phần của dự án hợp tác quốc tế giữa WWF và công ty Coca-Cola nhằm bảo tồn 7 lưu vực sông trên thế giới, bao gồm sông Mê Kông.

VQG Tràm Chim là khu bảo tồn đất ngập nước đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp quản lý dựa vào hệ sinh thái: tiến hành phục hồi sinh thái và cho phép người dân tiếp cận các nguồn tài nguyên của khu vực. Đây là sự khác biệt chính so với cách quản lý truyền thống và đã đạt được những kết quả khả quan như số lượng của nhiều loài chim tăng lên, trong đó có loài sếu đầu đỏ.

Bên cạnh việc tích nước thường xuyên, hệ thống quản lý cũ không cho phép người dân vào khu bảo tồn. Điều này đã hạn chế người dân kiếm sống hợp pháp dựa vào các nguồn tài nguyên vùng đất ngập nước, chủ yếu là nguồn cá. Với phương thức quản lý mới, người dân địa phương được phép khai thác tài nguyên một cách bền vững, do đó họ trở thành người bạn đồng hành của việc bảo tồn.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc VQG Tràm Chim chia sẻ: "Ngay từ khi thành lập VQG Tràm Chim năm 1998, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để đáp ứng được những tiêu chí của Công ước Ramsar. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các nhà khoa học, các tổ chức bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên đã tạo điều kiện thuận lợi cho VQG được gia nhập công ước Ramsar như ngày hôm nay. Chúng tôi vô cùng tự hào khi đạt được thành tựu này và VQG Tràm Chim hy vọng rằng, thành công của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng tới các điểm đất ngập nước khác tại Việt Nam hiện đang mong muốn được Ramsar công nhận trong tương lai."

Trong năm 2011, WWF và Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) – cơ quan đầu mối của chính phủ về Công ước Ramsar, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã ký một Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ năm điểm đất ngập nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt tiêu chuẩn để trở thành điểm Ramsar trong tương lai.

Giám đốc BCA Phạm Anh Cường cho biết: Việt Nam có rất nhiều điểm đất ngập nước có tiềm năng cao để trở thành các điểm Ramsar. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ các điểm này trong quá trình đạt được các tiêu chí của Công ước Ramsar. Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của WWF và các tổ chức quan tâm tới đất ngập nước, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều điểm Ramsar trong tương lai.

 

Nguồn: VTR