Như tin đã đưa, sau khi UBND tỉnh Quảng Bình thành lập đoàn liên ngành gồm 130 người do ông Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) chỉ huy vào rừng truy quét lâm tặc, tận thu số gỗ huê (gỗ sưa) còn sót, đẩy đuổi các nhóm giang hồ ra khỏi rừng thì tình hình an ninh trật tự ở đây đã có dấu hiệu tốt lên.
Tuy nhiên ngay sau đó, nhiều giang hồ vẫn còn tập trung đông ở sát cửa rừng để trấn cướp lâm tặc gùi hàng gỗ huê ra trước sự truy đuổi của đoàn liên ngành.
Rừng di sản vẫn còn “nóng”
Sau khi có thông tin các đối tượng lâm tặc đốn hạ ba cây gỗ huê cổ thụ ở rừng PN-KB sẽ tìm cách “tẩu tán” gỗ huê ra khỏi rừng trước sự truy quét “mạnh tay” của đoàn kiểm tra liên ngành thì nhiều người lại đổ vào rừng, giang hồ theo đó cũng lẩn vào đám đông để vào trấn cướp gỗ huê.
Một sơn tràng có thâm niên gùi gỗ huê ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) tiết lộ, hiện nay gỗ huê không còn nằm ở khu vực Hung Trí nữa mà đã được chuyển ra gần cửa rừng, chỉ chờ điều kiện thuận lợi là ra khỏi rừng. Và chỉ cần ra khỏi của rừng không gặp bất trắc là “ổn” rồi. Còn việc vận chuyển gỗ từ Troóc (một thị tứ ở vùng đệm của Vườn quốc gia PN-KB) về Đồng Hới hay ra Hà Nội là việc làm như trở bàn tay của các đầu nậu. Cũng theo sơn tràng nói trên thì gỗ đẹp hiện nay tập trung ở khe Nước Vàng, Hung Nha, vùng động Thiên Đường, động nước Rỉ… và vùng đó chỉ cách cửa rừng khoảng một nửa ngày đường đi bộ.
Cách đây mấy ngày, một nguồn tin cho biết, một nhóm khoảng 20 người ở thôn 4, xã Phúc Trạch đã xăm trúng 2 hầm giấu gỗ huê với gần 30 phách gỗ thuộc loại hàng đẹp (phần thân gỗ huê) tại khu vực Nước Vàng. Tuy nhiên số gỗ này vẫn không được đưa ra khỏi rừng vì bị các băng nhóm có súng trấn cướp. Sau khi thương lượng với băng nhóm này, số gỗ huê đã được chuyển đến nơi cất giấu khác.
Hiện nay Ban quản lý Vườn quốc gia PN-KB đang gấp rút hoàn thiện và trình lên tổ chức UNESCO hồ sơ đề nghị công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia PN-KB lần 2 với tiêu chí đa dạng sinh học thì việc lâm tặc đốn hạ ba cây gỗ huê cổ thụ ở khu vực bảo vệ nghiêm ngặt cũng như những hệ lụy sau đó đã tác động xấu đến hình ảnh Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB.
Vào tối 19/5, sau khi nghe tin một nhóm người vừa xăm trúng 16 phách gỗ chôn giấu ở khu vực Hung Tám, khoảng 200 người địa phương ở các xã Phúc Trạch vàXuân Trạch (huyện Bố Trạch) đã tụ tập tại khu vực từ khe Sến đến Hung Lầm (thuộc xã Xuân Trạch) chờ gỗ ra để trấn cướp. Tuy nhiên, khi gỗ chưa ra khỏi rừng thì lực lượng công an, kiểm lâm, dân quân đã kịp có mặt và giải tán được đám đông.
Theo nhiều nguồn tin cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù lực lượng chức năng đã được tăng cường nhưng tình hình an ninh trật tự ở khu vực rừng Di sản PN-KB vẫn còn hết sức lộn xộn, việc đào bới tìm kiếm gỗ huê đang còn diễn ra, nhiều người vẫn còn vào rừng. Các cuộc tranh cướp, hỗn chiến giữa các băng nhóm ở trong rừng di sản vẫn xảy ra thường xuyên. Rừng ở Vườn quốc gia PN-KB đang nằm trong tình trạng báo động đỏ.
Một diễn biến khác, ngày 21/5, cơ quan Công an Quảng Bình đã tống đạt giấy triệu tập đến 11 nghi can được cho là triệt hạ 3 cây huê cổ thụ tại Hung Trí, rừng PN-KB. Các đối tượng gồm Hoàng Hạnh (thôn 3, Thanh Sen), Hoàng Thạnh (thôn 1, Thanh Sen), Nguyễn Văn Minh (thôn 1, Thanh Sen), Nguyễn Thế Anh (thôn 1, Thanh Sen), Phan Văn Thắng (thôn 1, Thanh Sen), Lê Văn Tiến (thôn 3, Thanh Sen), Lê Văn Diễn (thôn 3, Thanh Sen), Trương Tịnh (thôn 4, Thanh Sen), Thái Xuân Tiềm (thôn 3, Thanh Sen), Lê Khánh (thôn 1, Thanh Sen), Nguyễn Văn Thắng (xã Xuân Trạch).
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Công an xã Phúc Trạch cho biết, giấy triệu tập của các đối tượng nêu trên đã được Công an xã Phúc Trạch và Xuân Trạch chuyển đến tận nhà vào ngày 21/5. Tuy nhiên, tất cả các đối tượng bị triệu tập hiện vắng mặt tại địa phương và chỉ có 3 đối tượng có người nhà nhận giấy triệu tập, số còn lại cả nhà đi vắng không có người nhận giấy triệu tập.
Rừng di sản đang nóng lên bởi sự hoạt động táo tợn của các băng nhóm trấn cướp huê (Ảnh do người đi rừng cung cấp)
Tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB
Được biết, hiện nay Ban quản lý Vườn quốc gia PN-KB đang gấp rút hoàn thiện và trình lên tổ chức UNESCO hồ sơ đề nghị công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia PN-KB lần 2 với tiêu chí đa dạng sinh học thì việc lâm tặc đốn hạ ba cây gỗ huê cổ thụ ở khu vực bảo vệ nghiêm ngặt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB.
Theo ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia PN-KB thì huê là loài thực vật được Chính phủ đưa vào danh sách một trong các loài thực vật quý hiếm theo NĐ 48/2002/NĐ- CP. Vườn quốc gia PN-KB đã có cả một chương trình bảo vệ, nghiên cứu, nhân giống loài huê quý hiếm này. Việc bảo vệ loài huê này trong tự nhiên, đặc biệt tại Vườn là hết sức khó khăn, nguy cơ suy giảm vì đang bị lâm tặc săn lùng khai thác, mua bán. So với hệ sinh thái rừng tại Vườn với diện tích gần 125.000 ha thì việc chặt 3 cây gỗ huê trên thực tế chưa gây tổn hại đáng kể đến hệ sinh thái rừng.
Tuy nhiên, việc chặt hạ, vận chuyển, mua bán 3 cây gỗ huê đã làm rộ lên phong trào nhiều người ồ ạt đua nhau lên rừng tìm kiếm, săn lùng ráo riết loài huê có giá trị siêu lợi nhuận này. Đặc biệt, lần này vụ khai thác gỗ huê đã hình thành có tổ chức các đường dây, khai thác, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ hết sức tinh vi, hết sức chặt chẽ làm cho công tác bảo vệ rừng vốn rất khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. “Đồng thời, vụ việc này đã làm hệ lụy nhiều vấn đề từ việc an ninh trật tự xã hội nóng lên, tụ tập đông người, gây rối, chống người thi hành công vụ, lừa đảo... đến việc tuyên truyền vận động người dân tham gia công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn; việc ngăn chặn, bắt giữ đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ gỗ huê càng khó khăn phức tạp. Tất cả tình trạng trên đây đã ảnh hưởng đến Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB”, ông Thành cho biết thêm.
Cũng theo ông Thành: “Xác định nhiệm vụquản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của chủ rừng. Vì vậy cần phải phát huy hơn nữa ý thức trách nhiệm, nêu cao vai trò của người lãnh đạo, của người cán bộ, đảng viên để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới.
Sau vụ việc này, chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại lực lượng kiểm lâm, rà soát sàng lọc để loại những cán bộ yếu kém ra khỏi lực lượng, làm trong sạch đội ngũ, xây dựng đội ngũ kiểm lâm mạnh, đủ sức chiến đấu với lâm tặc nhằm bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia PN-KB. Trong vụ việc này, Vườn cũng đã đình chỉ công tác hai hạt phó Hạt kiểm lâm trực thuộc Vườn và điều chuyển hai trạm trưởng Trạm kiểm lâm đi nơi khác vì có dấu hiệu bắt tay với lâm tặc”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ông Thành mong muốn cần tăng thêm biên chế cho lực lượng Kiểm lâm. Bởi theo quy định của NĐ 117 của Thủ tướng Chính phủ thì cứ 500 ha rừng đặc dụng bố trí 1 kiểm lâm, như vậy hiện tại lực lượng kiểm lâm của Vườn mới cóđược 50% chỉ tiêu theo quy định; cần bổ sung, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ.
Trong chiến lược lâu dài về bảo vệ rừng di sản cần phải thực hiện đồng bộcác giải pháp, trong đó phải hướng đến lợi ích cộng đồng để mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng di sản.
Nhóm P.V