Lễ mít tinh Ngày Môi trường thế giới 5/6, Năm Quốc tế về Năng lượng bền vững 2012

Cập nhật: 05/06/2012
Sáng ngày 3/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ mit tinh hưởng ứng Năm Quốc tế về Năng lượng bền vững 2012, Ngày Môi trường thế giới 5/6. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự có ông Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Patrick Jean Gillabert, Giám đốc Chương trình Phát triển Công nghiệp LHQ tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và đại diện các Bộ, ngành đoàn thể Trung ương, các cơ quan Liên Hợp Quốc, tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam và đông đảo người dân tỉnh Quảng Ninh.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5/6/2012 là “Kinh tế Xanh: Có vai trò của Bạn” phản ánh nhận thức sâu rộng đối với Kinh tế Xanh như là bước đi tiếp theo hướng đến Thế kỷ 21 bền vững, với nồng độ cácbon trong khí quyển thấp và các nguồn nguyên nhiên liệu được tận dụng một cách có hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Các cấp, các ngành từng bước nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò to lớn của công tác bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống chính trị. Đầu tư cho bảo vệ môi trường bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Ngân sách cho bảo vệ môi trường với quy mô không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Việc lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, dự án phát triển đã được quan tâm nhiều hơn. Hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từng bước được hoàn thiện.
Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, dân số thế giới tăng cao kéo theo nhu cầu lớn về nước, đất, nơi cư trú, năng lượng, tài nguyên… cũng tăng nhanh chưa từng có. Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường, tài nguyên ngày càng cạn kiệt và lãng phí tài nguyên trong việc sản xuất, tiêu dùng đang là những thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia. Những thách thức trên đặt ra nhu cầu tìm kiếm những công cụ mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện có để giải quyết hiệu quả và hài hòa các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt. Đồng thời có thể biến những thách thức thành cơ hội để phát triển; là động lực tăng trưởng mới và bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2020; nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005 cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới; xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… đồng thời động viên, khuyến khích phát triển những công nghệ, mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Theo kết quả nghiên cứu, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua do ô nhiễm môi trường gây ra tối thiểu từ 1,5% - 3% GDP. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam còn phải chịu thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Kinh nghiệm từ các nước phát triển đã cho thấy, quá trình phát triển kinh tế mà không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội và mọi công dân Việt Nam hãy có những hành động thiết thực góp phần thiết thực tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới nói riêng, chung tay xây dựng nền kinh tế xanh vì sự phát triển bền vững cho tương lai bằng những hành động cụ thể:
Một là, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển theo chiều sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dich vụ môi trường. Hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn. Tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Hai là, giảm khí phát thải nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác
Thứ ba, xanh hóa lối sống và thực hiện tiêu dùng bền vững. Trong đó thực thi đô thị hóa bền vững; xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường. Tiến tới thay đổi các mô hình và hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững và xây dựng lối sống xanh.
Thứ tư, tăng cường các nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ chính thức (ODA), các nguồn đầu tư từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh; tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo vệ môi trường và các nguồn lực tài chính khác.
Tại buổi lễ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững và xây dựng kinh tế xanh.
Sau Lễ mít tinh, các đại biểu đã tham gia chương trình trồng rừng ngập mặn hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tại thành phố Hạ Long; trồng rừng hoàn nguyên môi trường tại vỉa than Cọc 6.

Nguồn: vea.gov.vn