Hạ Long có bao nhiêu sinh vật lạ?

Cập nhật: 08/06/2012
Mới đây, báo điện tử Kiến thức (bee.net.vn) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có đăng hình ảnh một sinh vật lạ được phát hiện tại ven biển trong khu vực Vịnh Hạ Long.

Con vật được mô tả có màu sắc rất đẹp, thân hình có nhiều đốt, chân tựa như loài rết, nhưng các chân thì mềm mại và rung rinh như lụa. Nhìn thoáng qua trông giống như con rết nên một số người đoán già đoán non rằng có thể nó là “con rết biển”. Một số người lại thấy sinh vật này có bề ngoài rất giống hình tượng rồng trong các tác phẩm điêu khắc thời Lý.

Phát hiện này nhanh chóng được nhiều báo mạng, trang thông tin điện tử đăng tải, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Cho đến khi TS Phạm Đình Trọng, nguyên cán bộ Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, khẳng định sinh vật trên thực chất là loài giun nhiều tơ, thuộc họ rươi, thì mọi bàn luận sôi nổi mới thôi. Cũng theo TS Phạm Đình Trọng, vùng biển Vịnh Hạ Long là nơi sinh cư phổ biến của các loài giun nhiều tơ. Nước ta có khoảng 500 loài giun nhiều tơ, chỉ riêng vùng biển Quảng Ninh đã điều tra, thống kê được 217 loài. Đây là một đặc thù đa dạng sinh học của di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Với giá trị đa dạng sinh học, phong phú về loài, Vịnh Hạ Long có rất nhiều sinh vật khiến những người lần đầu tiên nhìn thấy phải ồ lên thích thú. Đại đa số các sinh vật đã được miêu tả về đặc điểm, họ, loài, môi trường sống… Nhưng bên cạnh đó cũng còn những sinh vật chưa được nghiên cứu, công bố rộng rãi. Trong một số bài viết mới đây, chúng tôi đã có lần đề cập tới một số loài côn trùng, như dế, cua màu đỏ sống trong các ngóc ngách nhũ đá, đen đặc bóng tối trong hang Hồ Động Tiên. Chúng di chuyển, ăn cái gì để tồn tại trong bóng tối vẫn là một bí ẩn với nhiều người…

Mới đây, có dịp cùng đoàn khách là các chuyên gia nước ngoài về biến đổi khí hậu của Hội Nghề cá Quảng Ninh tham quan Vịnh Hạ Long, tình cờ tôi đã chụp được hình ảnh một sinh vật lạ hình ngôi sao đang bơi lập lờ dưới mặt nước. Nơi phát hiện sinh vật này là tại ngay trước cửa hang Tiên Ông. Nhiều người đã xem nhưng không ai biết đó là con gì. Sinh vật lạ có thân hình gần giống cây dương xỉ, các chi (tạm gọi như vậy) giống như những cành dương xỉ màu trắng đục xoè ra, cái ngắn, cái dài. Chính giữa “bông hoa” này có cái vòi nhỏ quay xuống dưới. Sinh vật lạ di chuyển bằng cách co một số chi lại rồi duỗi mạnh ra, đẩy thân mình về phía trước. Về sau, có ý kiến cho rằng đây là một trong các loài Huệ biển (Crinoidea), là nhóm động vật da gai cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay.

Vịnh Hạ Long còn có bao nhiêu sinh vật lạ nữa chưa được biết đến rộng rãi? Câu hỏi đó thật khó trả lời, nhưng cũng chính những bí mật đó đã góp phần tăng thêm sự hấp dẫn của di sản, kích thích trí tò mò, khám phá của du khách đối với Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, điều đáng ngại là quá trình lấn biển mở rộng đô thị, các hoạt động kinh tế - xã hội trên và ven bờ Vịnh, khai thác hải sản tận diệt bằng các loại lưới, xung điện… đã và đang làm suy giảm số lượng, thành phần loài sinh vật trên Vịnh Hạ Long. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, cần nhiều hơn sự quan tâm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng. Khi môi trường sống bị đe doạ, khi số lượng, thành phần loài bị suy giảm, hiển nhiên du khách khó mà có cơ hội nhìn thấy các sinh vật lạ như “rết biển” kia nữa…

Nguồn: baoquangninh.com.vn