Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản - Kỳ quan Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 12/06/2012
Làng chài Cửa Vạn hiện có hơn 167 hộ dân với hơn 640 nhân khẩu. Đây là làng chài lớn nhất trong số các làng chài trên Vịnh Hạ Long. Sau khi Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn được khánh thành, đi vào hoạt động (tháng 5-2006), làng chài Cửa Vạn đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Hạ Long.

Cùng với dự án bảo tồn văn hoá dân gian được triển khai tại Cửa Vạn, ngư dân làng chài này còn nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ về trường học, điện mặt trời, phao nhựa… Tất cả sự quan tâm, hỗ trợ đều nhằm một mục đích để Cửa Vạn lưu giữ được các giá trị văn hoá truyền thống đặc trưng, qua đó, bà con ngư dân có thể mưu sinh bằng phát triển du lịch bền vững, góp phần vào bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

Mặc dù được sự quan tâm nhiều hơn so với các làng chài khác trên Vịnh Hạ Long nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân làng chài Cửa Vạn lại chưa cao. Nhất là so với các làng chài Vung Viêng và Ba Hang (trong đó Ba Hang đã được TP Hạ Long công nhận đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá năm 2010). Không chỉ thường xuyên tuyên truyền ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường đến các hộ ngư dân bằng miệng, văn bản, lồng ghép qua các cuộc họp, sinh hoạt văn hoá… Ban Quản lý Vịnh Hạ Long còn hỗ trợ người dân tiền cộng tác vớt rác, thùng rác, tạo công ăn việc làm cho con em làng chài. Hiện trong tổng số 27 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bảo tồn văn hoá biển (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) thì có tới 12 người chuyên việc vớt rác hàng ngày. Lý giải về Cửa Vạn nhiều rác, một số người dân Cửa Vạn cho rằng do rác… quẩn theo dòng chảy đưa từ Cát Bà sang. Hôm nào gió nam thì không có mấy chứ gặp hôm gió tây thì… tha hồ mà vớt.

Một ngày cuối tháng 4 vừa qua, tôi có dịp ra làng chài Cửa Vạn đúng ngày… gió tây. Hôm đó cũng là ngày Hội nghề cá tỉnh Quảng Ninh đón tiếp một đoàn khách quốc tế ra Cửa Vạn tham quan dự án về biến đổi khí hậu do Chính phủ Úc tài trợ triển khai tại đây. Run rủi thế nào, tàu đến Cửa Vạn đúng lúc “bè” rác gồm toàn những mảnh vỡ phao xốp, túi ni lông, đèn tuýp… trôi đến. Tàu phải “băng” qua bãi rác để vào làng chài, thế là các khách quốc tế thi nhau chụp ảnh…

Chưa bàn đến chuyện rác từ đâu trôi đến hay từ làng chài phát sinh ra, điều đáng nói ở đây là ý thức, trách nhiệm người dân. Ngay sau chuyến thăm làng chài của các vị khách quốc tế trên, một chuyến tàu du lịch đến để nhiều du khách nước ngoài ngồi thuyền nan tham quan Cửa Vạn. Đi qua chỗ có rác, trong khi khách du lịch cúi xuống vớt thì người dân làng chài chèo thuyền qua lại dửng dưng. Phải chăng họ nghĩ đó là trách nhiệm của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long?

Từ một ví dụ ở làng chài Cửa Vạn trên đây cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đối với ngư dân các làng chài trên Vịnh rất cần được quan tâm hơn nữa. Trong đó, cần phát huy vai trò, sự phối hợp của chính quyền, doanh nghiệp như mô hình ở Ba Hang, Vung Viêng…

baoquangninh.com.vn