Thừa Thiên – Huế : Hơn 1000 tỷ đồng xử lý chất thải

Cập nhật: 20/06/2012
Theo Đề án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1065/QĐ-UBND, ngày 13/6/2012, thì mục tiêu đến năm 2015 sẽ có trên 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, các trung tâm huyện lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.

Ngoài ra, 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị, các khu vực dân cư nông thôn tập trung được thu gom xử lý, trong đó 95% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế; 95% bùn bể phốt tại các trung tâm huyện lỵ và 70% của các cụm dân cư tập trung được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; giảm 50% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại, các cụm dân cư tập trung so với năm 2011; 50% các đô thị lớn của tỉnh có công trình tái chế chất thải rắn sinh hoạt; 70% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn, khu vực đầm phá và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường; 85% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh từ khu vực nông thôn được thu gom và xử lý đúng quy định, đảm bảo môi trường; 100% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý.

Nhiệm vụ cụ thể được xác định trong năm 2012, tỉnh sẽ triển khai các dự án đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại 2 huyện vùng đầm phá ven biển là Quảng Điền và Phú Vang. Đến năm 2013, các địa phương hoàn thành việc đầu tư các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy hoạch của tỉnh, cơ bản hoàn thành và đi vào vận hành đề án vào năm 2014 và tiếp hoàn thiện, đảm bảo công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2020.

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu đề án đưa ra, giải pháp tổ chức thực hiện được ưu tiên là phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn theo cơ chế thị trường; giảm thiểu chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu; nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn; vận động sự tham gia của cộng đồng trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt, phát triển thị trường, xây dựng nền kinh tế chất thải; phát triển ngành công nghiệp tái chế; khuyến khích mua sắm các sản phẩm tái chế; xây dựng và áp dụng các chính sách ưu đãi cho các hoạt động tái chế và thiết lập các quỹ tái chế. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hạn chế chôn lấp, an toàn và phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án là 1.093,12 tỷ đồng; trong đó nguồn từ ngân sách 509,72 tỷ đồng, từ doanh nghiệp 465,00 tỷ đồng, từ đóng góp của nhân dân và các tổ chức, đoàn thể xã hội 118,40 tỷ đồng.

Nguồn: monre.gov.vn