Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng của gần 900 loài động vật, thực vật hoang dã. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó có biến đổi khí hậu. GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chúng ta có quyền lựa chọn tương lai tận diệt hay gìn giữ đa dạng sinh học từ hành động của chính mình.
Tổn hại đa dạng sinh vật dưới biển trên bờ
TS. Hoàng Nghĩa Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sinh học Nhiệt đới cho biết, vào cuối thế kỷ này, mực nước biển dâng dự kiến sẽ cao thêm 1m và sẽ làm mất đi 12% diện tích của Việt Nam, đồng thời tác động nặng nề tới những vùng bờ biển của Việt Nam đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 8 vườn quốc gia và 11 khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam khi đó sẽ bị nước mặn xâm lấn, làm chết nhiều loài sinh vật và động vật ở những khu vực này.
Xem xét các biểu hiện của biến đổi khí hậu, có thể thấy các điều kiện nhiệt ẩm thay đổi là yếu tố nguy cơ đối với sự biến mất các giống loài. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, lượng mưa sẽ giảm trong mùa khô (tháng 7 và 8) và tăng trong mùa mưa (tháng 4 và 11); mưa lớn thường xuyên hơn gây lũ lớn và nhiều hơn ở miền Trung và Nam. Hạn hán xảy ra ở phần lớn các khu vực của cả nước. Nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,1 - 0,3 độ C/thập kỷ. Nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp và nguồn nước. Mực nước biển có khả năng dâng cao 1m vào cuối thế kỷ, lúc đó Việt Nam sẽ mất hơn 12% diện tích đất đai, nơi cư trú của 23% dân số.
Theo GS. Võ Quý, nước biển dâng sẽ ảnh hưởng vùng đất ngập nước của bờ biển Việt Nam, nghiêm trọng nhất là khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Nam Ðịnh. Hai vùng đồng bằng và ven biển nước ta, trong đó có rừng ngập mặn và hệ thống đất ngập nước rất giàu có về các loài sinh vật, là những hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương. Mực nước biển dâng lên cùng với cường độ của bão sẽ làm thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn và mức độ ô nhiễm của nước, làm suy thoái và đe dọa sự sống còn của rừng ngập mặn và các loài sinh vật trong đó. Khi mực nước biển dâng cao, khoảng một nửa trong số 68 khu đất ngập nước sẽ bị ảnh hưởng nặng; nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, giết chết nhiều loài động, thực vật nước ngọt, ảnh hưởng nguồn nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt và trồng trọt của nhiều vùng. 36 khu bảo tồn, trong đó có 8 vườn quốc gia, 11 khu dự trữ thiên nhiên sẽ bị ngập. Hệ sinh thái biển sẽ bị tổn thương.
Biến đổi khí hậu với các hệ quả của nó như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn và sụt lở đất sẽ thúc đẩy sự suy thoái đa dạng sinh học nhanh hơn, trầm trọng hơn, nhất là những hệ sinh thái rừng nhiệt đới không còn nguyên vẹn, tăng nguy cơ diệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý, hiếm, bệnh dịch mới có thể phát sinh…
Bạn trẻ là người quyết định
Tại tọa đàm “Bảo vệ hay tận diệt - Đa dạng sinh học và những thách thức trong biến đổi khí hậu” mới đây, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và sự khai thác vượt quá nhiều lần khả năng tái phục hồi tự nhiên của con người thì việc bảo vệ đa dạng sinh học ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Nếu chúng ta không hành động ngay, sẽ ngày càng có thêm nhiều loài biến mất vĩnh viễn.
Việt Nam đã ký nhiều công ước quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học nhưng nguồn gen quý có được gìn giữ hay không lại phụ thuộc vào việc cương quyết thực hiện với các chế tài đủ mạnh. “Trong khi chờ những chính sách của cơ quan Nhà nước có hiệu lực, không ai khác, chính các bạn trẻ là người có thể làm thay đổi được điều này, bảo vệ hay tận diệt thiên nhiên? Các bạn trẻ là người quyết định”, GS. Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Bà Hà Quỳnh Nga, Điều phối viên Mạng lưới Thế hệ xanh Việt Nam cho rằng, các bạn trẻ cần tự tin vào khả năng của chính mình. “Các em từng nghe về biến đổi khí hậu và thấy đó là một vấn đề bức bối nhưng không biết phải làm gì. Bởi em luôn luôn nghĩ đó là việc thuộc chức trách của các nhà lãnh đạo, mình còn non trẻ nên không thể giúp đỡ được gì. Nhưng chính những người trẻ là người quyết định, hành động để chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học của nước nhà”.
Bảo vệ hay tận diệt thiên nhiên? Tất cả đều nằm trong tay chúng ta.