Nhà vệ sinh du lịch: Vẫn chuyện “biết rồi, khổ lắm...”

Cập nhật: 10/07/2012
Đã hơn 2 năm kể từ ngày phát động chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn tại các điểm đến trên toàn quốc, câu chuyện về cái toilet du lịch vẫn nóng.

Chưa làm vì chưa có chuẩn

Đây là lý do mà đa số các địa phương đưa ra để giải thích cho việc chậm trễ xây dựng nhà vệ sinh tại các điểm đến, điểm dừng chân du lịch.

Thực tế trước thời điểm tháng 5/2012, tiêu chí “chuẩn” cho nhà vệ sinh du lịch vẫn chưa có. Các điểm đến xây dựng nhà vệ sinh chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư nhiều hay ít chứ không dựa vào “chuẩn”.

Việc thiếu tiêu chí, quy chuẩn cũng như nhận thức đầy đủ về cái toilet trong dịch vụ du lịch làm nảy sinh nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.

Nhà vệ sinh thông minh ở Nha Trang đã bị hư hỏng

Được đầu tư nhiều tiền là một loạt nhà vệ sinh thông minh ở Nha Trang. Du khách có nhu cầu phải bỏ vào máy một đồng xu 2000 đồng – loại tiền hiện nay gần như không có ai sử dụng -  thì cửa toilet mới mở. Mỗi du khách cũng chỉ được phép đi vệ sinh trong 6 phút, vì sau 6 phút hệ thống phun rửa buồng toilet sẽ tự động xả nước làm sạch từ bồn cầu đến nền nhà.

Được đầu tư ít tiền nhưng công suất sử dụng cao là một loạt nhà vệ sinh “không thông minh” do tư nhân xây dựng tạm bợ trên đường hành hương lên đỉnh chùa Đồng Yên Tử với những tấm cót ép dựng tạm mất mỹ quan. Tương tự là những nhà vệ sinh ở chùa Hương, Đền Hùng…

Một điểm đón khách nổi tiếng là bến Cửa Đại cũng chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh 2 buồng cho du khách trong thời gian đến mua vé, chờ tàu. Đây lại là nhà vệ sinh tư nhân nên khi gia chủ có việc chạy đi đâu đó thì cả hai buồng đều được khóa lại bằng khóa Việt-Tiệp.

Ngay tại trung tâm hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách vừa thiếu về số lượng vừa kém về chất lượng. Ngoại trừ các tuyến phố trung tâm, tại các đường phố gần vành đai và ngoài vành đai, nhà vệ sinh công cộng hoặc không có, hoặc có mà chỉ hoạt động theo giờ hành chính, sau 5g chiều là đóng cửa, hoặc trong tình trạng hỏng hóc, “đắp chiếu” từ nhiều năm. Điển hình như khu Quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nơi tập trung rất đông người vào các buổi chiều tối nhưng không có lấy một nhà vệ sinh công cộng nào.

Các nhà vệ sinh ở quanh khuôn viên bờ hồ Hoàn Kiếm cũng trong tình trạng xuống cấp, bản lề cửa buồng vệ sinh bị bong, then cài bên trong hỏng, hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo tiêu chuẩn khiến mùi hôi vẫn tỏa ra bên ngoài…

Anh Hoàng Công Vinh – một hướng dẫn viên du lịch – cho hay: “Rất nhiều địa phương đổ lỗi cho du khách không có ý thức gây nên tình trạng mất vệ sinh và xuống cấp ở khu vệ sinh tại các điểm đến. Tuy nhiên đây chỉ là một yếu tố rất nhỏ.

Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà vệ sinh xây không đúng tiêu chuẩn, như buồng vệ sinh không có vòi xả nước, thùng rác không có nắp đạy hoặc không có thùng rác, không có giấy vệ sinh, không có người dọn dẹp liên tục. Đây là kiểu nhà vệ sinh ở đại đa số các điểm du lịch tâm linh, lễ hội, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam. Với kiểu nhà vệ sinh này, thì những điểm đến có công suất đón khách cao, dù du khách có ý thức đến mấy cũng khó mà sạch sẽ được”.

Theo anh Vinh, khi cơ quan quản lý điểm du lịch xây dựng nhà vệ sinh, họ không tính toán đến công suất khách vào mùa cao điểm để bố trí số lượng nhà vệ sinh cố định và di động cho phù hợp. Việc thiếu quy định rõ ràng về cách xây dựng nhà vệ sinh du lịch, tiêu chuẩn buồng vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải, người trông coi, dọn dẹp và tần suất dọn dẹp tối thiểu… khiến hầu hết các nhà vệ sinh du lịch hiện nay được xây dựng theo kiểu xây cho có.

Có chuẩn thì mắc quy hoạch

Kể từ khi Tổng cục Du lịch đưa ra quy định tạm thời về nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch, các địa phương mới rục rịch triển khai kế hoạch. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở nguồn kinh phí đầu tư mà là bài toán quy hoạch.

Việc xây dựng nhà vệ sinh du lịch cần sử dụng một nguồn quỹ đất nhất định, phải được bố trí ở vị trí thích hợp, đảm bảo mỹ quan tại các điểm du lịch, cần thêm nhân lực cho quá trình hoạt động nhà vệ sinh…

Tất cả các hạng mục này liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau như Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng…

Với những điểm đến đã được quy hoạch thì lại phải bổ sung vào quy hoạch khi có quy định mới về tiêu chuẩn nhà vệ sinh du lịch.

Ông Nguyễn Việt Anh – Trưởng phòng Lữ hành Sở VHTTDL TP.HCM cho biết: “Hiện Sở vẫn đang vướng mắc ở một số thủ tục giấy tờ nên chưa thể công bố cụ thể chi tiết về kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh du lịch trên địa bàn thành phố”.

Trong khi đó, ông Đoàn Mạnh Linh – Trưởng phòng Lữ hành Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh cho hay đề án xây dựng nhà vệ sinh du lịch của tỉnh mới đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến cuối tuần tới đề án này sẽ được trình lên UBND tỉnh để chờ phê duyệt. Ông Linh không dám chắc về việc từ nay đến cuối năm sẽ trang bị xong hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn trên địa bàn thành phố Hạ Long hay không.

Tại Cô Tô – một điểm du lịch mới nổi thuộc tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Thành – Bí thư huyện ủy cho hay: “Cô Tô đã tiến hành xây dựng nhà vệ sinh du lịch trước thời điểm Tổng cục Du lịch ban hành tiêu chuẩn. Mặt khác, việc xây dựng nhà vệ sinh du lịch tại các bãi biển thuộc Cô Tô hiện nay chỉ mang tính tạm thời do quy hoạch du lịch của huyện đảo vẫn đang trong giai đoạn xây dựng. Khi quy hoạch này hoàn thiện và đưa vào triển khai, sẽ phải dỡ bỏ các nhà vệ sinh cũ để xây mới theo đúng quy hoạch và tiêu chuẩn”.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia du lịch, những khó khăn trong việc thiếu tiêu chuẩn hay thiếu quy hoạch hoàn toàn có thể giải quyết nhanh chóng nếu các cơ quan quản lý địa phương nhận thức rõ về giá trị của nhà vệ sinh đối với hoạt động kinh doanh du lịch và hình ảnh của điểm đến.

“Các địa phương nên học điểm du lịch gốm sứ Bát Tràng về điểm này. Từ lâu, làng gồm Bát Tràng đã tiếp thị hình ảnh tới du khách bằng 3 tiêu chí: nhà điều hành tour chuyên nghiệp, nhiệt tình; người hướng dẫn tour hiểu biết và nhà vệ sinh sạch sẽ đáp ứng nhu cầu của khách nước ngoài. Trong đó, tiêu chí về nhà vệ sinh được họ in đậm, viết hoa”./.

Khánh Hải

 

Nguồn: Toquoc.vn