Không ồn ào, phô trương, những bạn trẻ trong Hội nhặt rác Hồ Gươm cần mẫn với công việc của mình vào mỗi chiều Chủ nhật. Ngạc nhiên hơn, các bạn đã làm ra nhiều món đồ lưu niệm đẹp mắt từ rác, bán lấy tiền giúp đỡ những em nhỏ khó khăn.
Thành lập từ tháng 3-2011, hội là nơi tụ họp của những bạn sinh viên, các bạn trẻ yêu Hà Nội và mong Hà Nội "xanh - sạch - đẹp". Bạn Mai Thị Thủy (sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trưởng nhóm) chia sẻ: "Hành trang mỗi chiều Chủ nhật của các thành viên chỉ là một đôi găng tay ni-lông, một chiếc túi nhỏ để thu gom rác quanh Hồ Gươm trong hơn một giờ đồng hồ". Hội nhặt rác Hồ Gươm thường có từ 15- 20 thành viên hoạt động thường xuyên. Nhưng mỗi khi bắt tay vào công việc, Hội đều có thêm thành viên mới. "Những ngày đầu, nhiều người chỉ đứng nhìn và tò mò về công việc của bọn mình. Có người còn nói Hội ôm rơm nặng bụng hay vác tù và hàng tổng. Nhưng không ít người đã nhiệt tình và ủng hộ bằng cách xin gia nhập Hội nhặt rác. Nhiều bạn trẻ thì giúp đỡ Hội bằng cách vứt rác đúng nơi quy định hay chạy ra vứt nhờ vào túi rác của các thành viên. Vui nhất là những khách du lịch nước ngoài. Họ thường không ngần ngại tham gia nhặt rác, dọn vệ sinh cùng các bạn trẻ trong Hội", bạn Phan Ngọc Mai (sinh viên Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường) nhớ lại.
Hội thường chia số thành viên thành các nhóm nhỏ để không bỏ sót khu vực nào. Ngọc Mai nói: "Rác quanh Hồ Gươm chủ yếu là túi ni-lông, chai nước, que kem, que xúc xích... Khó nhất là đi nhặt những hôm mưa vì rác bị dính nước, vừa nặng vừa bẩn hơn bình thường. Sau khi nhặt xong, rác được cho vào các thùng đựng rác công cộng, tiện cho các cô lao công thu gom".
Thời gian đầu, Hội chỉ chú ý nhặt và thu gom rác nhưng sau đó nhận ra số lượng que kem, que xúc xích rất nhiều, bỏ đi rất lãng phí. Các thành viên trong Hội đã nảy ra ý tưởng làm đồ "handmade" từ những que kem, que xúc xích hay chai lọ nhựa vứt đi này. Mọi người cùng nhau họp bàn, lên ý tưởng cho các sản phẩm thủ công của mình. Từ đó về sau, các thành viên mở rộng khu vực dọn dẹp sang cả vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực bán kem Tràng Tiền. Ngoài túi đựng rác, mỗi thành viên còn có thêm một túi giấy để đựng que kem, que xúc xích. "Hội đã mất không ít thời gian để học cách làm sạch, sơ chế que kem, que xúc xích trước khi biến chúng thành những sản phẩm hữu ích. Bởi chúng đều được làm từ gỗ ép và dễ bị mốc khi gặp nước, không khí ẩm" - Ngọc Mai chia sẻ. Mỗi chiều thứ bảy, các thành viên lại họp nhau tại Gò Ðống Ða để học cách làm đồ thủ công, phân chia công việc và sản phẩm. Trung bình mỗi bạn mất một ngày để hoàn thành xong một khung ảnh và hai, ba ngày cho một sản phẩm chi tiết hơn như ống đựng bút, ngôi nhà đồ chơi... Mỗi sản phẩm có giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng. Số tiền này được các thành viên góp lại để phục vụ cho hoạt động tình nguyện. Ðược biết, sản phẩm giá trị nhất mà Hội đã làm là mô hình chùa Một Cột ghép bằng que kem. Sản phẩm này đã được đem bán đấu giá và toàn bộ số tiền gần 700 nghìn đồng thu được dành tặng người nghèo.
Cùng với các câu lạc bộ tình nguyện trẻ khác, Hội nhặt rác Hồ Gươm đang ngày ngày cố gắng để những việc mình làm có thể giúp sức nhiều hơn cho xã hội. Ngọc Mai chia sẻ: "Hội đang lên kế hoạch để có thể đem sản phẩm của mình đến với các quầy lưu niệm, cửa hàng đồ thủ công. Với số tiền kiếm được từ sản phẩm, các thành viên sẽ mua quà, mua sách vở cho các em nhỏ vùng cao, xây dựng các thư viện bản... Một que kem nhỏ có thể không làm được gì nhưng chục que, trăm que thì bạn có thể làm được cả một chiếc khung ảnh, một ngôi chùa. Một người nhặt rác có thể lạ nhưng trăm người, nghìn người cùng nhặt rác thì sẽ khác".
Bích Phương