Câu lạc bộ yêu thiên nhiên và môi trường thành phố Đà Nẵng (gọi tắt Green Viet) thành lập ngày 18/09/2011, bắt nguồn từ những ý tưởng xây dựng một CLB gắn liền với việc bảo tồn đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà thông qua các hoạt động truyền thông và nghiên cứu của sinh viên, cựu sinh viên và cán bộ trẻ Khoa Sinh - Môi trường (trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng).
Với lòng nhiệt huyết và đam mê với môi trường, CLB yêu thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Với những kết quả đạt được, CLB đã phản ánh tính hiệu quả của công tác đào tạo trong nhà trường, vừa thể hiện ý thức của thế hệ trẻ góp phần cùng chung tay với cộng đồng để bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo vệ nhiều loài động thực vật đang bị đe dọa nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong cái nắng hè gay gắt cuối tháng tư, gần 20 sinh viên Khoa Sinh - Môi trường (Trường ĐHSP Đà Nẵng) là thành viên Câu lạc bộ yêu thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng đã tranh thủ những ngày nghỉ lễ, triển khai Chương trình hành động “Vì màu xanh bán đảo Sơn Trà”. Bằng lời giới thiệu trôi chảy và chất giọng thiện cảm, mỗi thành viên CLB là những tuyên truyền viên tích cực, hoạt động năng nổ đã lôi cuốn từng đoàn khách du lịch cùng tham gia hưởng ứng chương trình.
Lê Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB yêu thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng (Hội sinh viên Trường ĐHSP Đà Nẵng) cho biết: Đây là một trong những hoạt động mới của Chương trình hành động “Vì màu xanh bán đảo Sơn Trà”, nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà. Thông qua chương trình hành động này, CLB muốn gửi đến cộng đồng thông điệp “Hãy cùng chung tay vì sự bảo tồn đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà, hãy bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam”.
Theo thống kê trên bán đảo Sơn Trà hiện có hơn 985 loài thực vật, 36 loài thú, 106 loài chim, 23 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 113 loài côn trùng. Trong số đó, nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam cũng như trong danh sách của Hiệp hội thế giới vì thiên nhiên cần được bảo vệ trước nguy cơ bị biến mất. Đặc biệt, có một vài loài đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là loài Voọc Chà vá chân nâu đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Song song với hoạt động này, các thành viên trong CLB cũng tích cực triển khai bán hàng với mục đích quảng bá về sự đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà và gây quỹ để tổ chức các hoạt động thiết thực khác. Anh Trần Hữu Vỹ (từng là sinh viên Khoa Sinh - Môi trường khóa 2002-2006) nay là chuyên viên dự án Bảo tồn thú linh trưởng tại miền Trung (Chương trình Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam) cho biết: Với số tiền thu được từ hoạt động bán hàng và sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức; CLB sẽ dùng để phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về thiên nhiên Sơn Trà. Đồng thời, dùng số tiền đó để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên Khoa Sinh - Môi trường (Trường ĐHSP Đà Nẵng); tổ chức hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác trong Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà và triển khai các hoạt động tuyên truyền trong thời gian tới nhằm nâng cao ý thức của người dân địa phương, khách du lịch về bảo tồn đa dạng sinh học.
Bán hàng gây quỹ vừa mang tính tuyên truyền vừa tạo kinh phí cho các hoạt động của CLB
Việc thành lập CLB yêu thiên nhiên và môi trường TP.Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động đào tạo của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. CLB này được tổ chức hoạt động theo xu hướng mới, mang tính tương tác giữa lý thuyết và thực tiễn trong hoạt động đào tạo. Theo đó, Khoa cũng đã thành lập Hội Cựu sinh viên, Hội Cựu học viên, Chi Hội Cựu giáo chức để tăng cường giao lưu, chia sẻ và cùng phát triển với CLB này.
Bởi vậy, trong thời gian tới, các thành viên trong CLB yêu thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng mà nồng cốt là sinh viên khoa Sinh - Môi trường (Trường ĐHSP Đà Nẵng) không những tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn tích cực mở rộng phạm vi hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Điều này sẽ có tác động rất tích cực đến hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên; làm nền tảng cho việc nghiên cứu chuyên sâu sau này.