Rừng ngập mặn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, hạn chế tác hại của sóng, gió gây xói lở, bảo vệ môi trường sinh thái… vùng ven biển ĐBSCL. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích rừng ngập mặn nơi đây đang giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng.
Theo báo Quân đội nhân dân, ngoài những nguyên nhân như sự sạt lở tự nhiên, hiện tượng bị chặt phá vô tội vạ thì việc quản lý còn chồng chéo, cơ chế chính sách và các giải pháp để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển còn chưa phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm diện tích và chất lượng rừng ngập mặn. Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết trong 10 năm (2000-2010), tổng diện tích rừng vùng ĐBSCL bị thiệt hại là 11.785ha, trong đó rừng phòng hộ là 4.822ha, rừng đặc dụng là 139ha và rừng sản xuất là 6.824ha.
Đơn cử như ở Cà Mau, diện tích rừng ngập mặn từ gần 200 nghìn ha năm vào 2002 hiện chỉ còn hơn 100 nghìn ha, theo đó bờ biển cũng bị sạt lở nghiêm trọng, trung bình mất khoảng 900ha/năm. Một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng người dân nghèo chặt phá rừng ngập mặn để lấy gỗ đốt than, nhất là ở VQG Mũi Cà Mau.
ĐBSCL hiện còn có 479km đường đê biển chưa có đai rừng phòng hộ, chiếm 38,1% tổng số chiều dài đê biển các tỉnh, trong đó có 144km đê biển có khả năng trồng rừng nhưng chưa có rừng, 335km đê chưa có rừng nhưng cần có các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ để trồng rừng. Hiện có nhiều đoạn bờ biển và cửa sông đang bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 310,6km, nhiều nhất là ở Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre.
Rõ ràng, đã đến lúc cần có một giải pháp tổng thể để gìn giữ lá chắn thiên nhiên này, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân ven biển ĐBSCL.