Vì một Hạ Long xứng tầm di sản thế giới

Cập nhật: 03/08/2012
“Hạ Long vẫn là một điểm đến chưa tạo ra độ tin cậy thật sự khi tình trạng lộn xộn tại cảng tàu, các hành vi lừa đảo, gian lận về chất lượng dịch vụ chưa được kiểm soát” – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã thẳng thắn khẳng định thực tế xót xa nhưng không thể chối cãi.
“ Vết trũng” du lịch Hạ Long

Vịnh Hạ Long đã được ngành văn hóa xây dựng thành biểu tượng đặc trưng, nổi bật của thương hiệu du lịch quốc gia. Tuy nhiên, mới đây nhất, tại Hội thảo quốc tế “ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – tầm nhìn mới” do Bộ VHTTDL và UBND Tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức, rất nhiều chuyên gia trong nước và đầu ngành quốc đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long.

Sản phẩm du lịch từ hàng chục năm nay chủ yếu dựa vào vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có, chưa khai thác yếu tố giải trí văn hóa, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực du lịch chưa xứng tầm. Hiện Quảng Ninh có 6000 lao động du lịch nhưng chưa đến 50% qua đào tạo. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây nên những hạt sạn, như: bán hàng rong, ép giá, chèo kéo khách, ăn xin, xả rác, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa của di sản. Vì vậy, cần quản ly tốt điểm đến, bao gồm; cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch trên cơ sở nghiên cứu thị trường.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn: “Chúng ta đã chứng kiến hệ thống rừng ngập mặn vốn là hàng rào bảo vệ cho Hạ Long ở ven bờ hầu như bị hủy hoại hoàn toàn...,  các rạn san hô cũng suy kiệt dần”. Bên cạnh đó là các vấn đề về môi trường, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chưa theo kịp tiến trình phát triển, cũng là những rào cản không nhỏ với Hạ Long trong hành trình vươn lên thành điểm nhấn về du lịch trong khu vực.

Theo đại diện các doanh nghiệp khai thác trên tuyến Hạ Long đều thừa nhận, so với cách đây 10 năm, sản phẩm Vịnh Hạ Long vẫn vậy. Hiện Hạ Long mới chỉ thu hút khách đến tham quan mà chưa có sản phẩm nào khác để kéo dài thời gian lưu trú của khách, chính vì vậy, khách chỉ ở khoảng 2 ngày 1 đêm thì hết chỗ chơi.

Trên thực tế, doanh thu của du lịch Hạ Long hiện thua cả Đà Nẵng và Khánh Hòa, do hai địa phương này đã chuyển chiến lược sang khai thác các sản phẩm cao cấp, chiều sâu để nâng khả năng chi tiêu của khách. Mặt khác, những xung đột trong phát triển giữa các ngành kinh tế khác với ngành du lịch trong một không gian không lớn của vịnh là hệ quả tất yếu của “tầm nhìn” đối với phát triển của Hạ Long bên cạnh hạn chế trong quản lý và ảnh hưởng của “lợi ích nhóm”. Tình trạng phát triển du lịch thiếu tuân thủ quy hoạch và nguyên tắc tại một số khu vực quan trọng ở Hạ Long mà điển hình là Tuần Châu cũng đang là một thách thức không nhỏ - GS.TS Phạm Trung Lương -Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phân tích.

Bảo tồn Hạ Long dưới góc nhìn các chuyên gia

Bà Katherine Muller – Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam: Cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long": Những tác động của hoạt động phát triển du lịch ảnh hưởng tới môi trường Vịnh Hạ Long là khá rõ ràng. Cụ thể, hiện nay, trên Vịnh Hạ Long, chúng ta có thể nhìn thấy váng dầu và rác thải trên mặt nước cũng như trên bờ vịnh. Theo tôi, việc kiểm soát chặt chẽ rác thải từ tàu thuyền là việc cần làm ngay để các vùng giáp ranh của Di sản không bị ảnh hưởng.

*Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Phát triển nhân lực – yếu tố quyết định sự phát triển của du lịch Quảng Ninh”: thời gian tới tỉnh Quảng Ninh cần xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu; đặc biệt đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch phải có trình độ và kỹ năng nghiệp vụ, phẩm chất vững vàng, đạo đức nghề nghiệp tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu và toàn diện.

*PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch "Du lịch Hạ Long phải được đặt đúng vị trí tương xứng với điểm đến tầm cỡ quốc gia và quốc tế": Thực tế cho thấy trong thời gian qua ngành du lịch Quảng Ninh chưa phát triển “đúng tầm” so với sự phát triển kinh tế - xã hội cả tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Điều này được thấy rất rõ trong việc phát triển “song hành” của nhiều ngành kinh tế trên cùng không gian vịnh, gây tác động tiêu cực đến không gian cảnh quan và môi trường sinh thái. Do đó, để du lịch Hạ Long được "xứng tầm", là điểm đến mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm đến vấn đề môi trường; quy hoạch các ngành nghề phù hợp với sự phát triển ngành du lịch.

*Ông Ngô Trung Hải, Viện Trưởng Viện kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng,  "Quy hoạch chi tiết các khu vực trên Vịnh Hạ Long phải gắn với chiến lược phát triển vùng; chú trọng công tác bảo tồn": Tôi thấy rằng, chiến lược phát triển khu vực Vịnh Hạ Long phải gắn với chiến lược phát triển của TP Hạ Long và toàn tỉnh Quảng Ninh, thậm chí ở một góc độ nào đó phải có định hướng ở mức quốc gia, vì Di sản thiên nhiên không chỉ của riêng Hạ Long, mà của cả nước, của cả nhân loại. Từ góc độ đó, mỗi dự án đều được đánh giá ảnh hưởng của nó đến hiệu quả phát triển chung, không chỉ giới hạn trong khu vực vịnh.

*Ông Kai Partale, Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực du lịch, dự án ESRT, "Phát huy và duy trì thương hiệu chất lượng toàn cầu": Thương hiệu đóng vai trò trụ cột trong việc giải quyết các vấn đề: khuyến khích khách du lịch lưu trú lâu hơn, khiến khách du lịch tiêu dùng nhiều hơn, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Nguồn: CINET