''Trăn trở'' du lịch xanh ở Huế

Cập nhật: 13/08/2012
Huế là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển du lịch xanh nhưng mô hình du lịch này hiện đang đối mặt với nhiều thách thức.

Khách sạn “xanh” khó nhân rộng

Khách sạn Saigon-Morin là cơ sở lưu trú đầu tiên tại Huế áp dụng mô hình tăng trưởng xanh. Việc sử dụng các thiết bị điện thân thiện với môi trường, tái sử dụng nguyên liệu thực phẩm, hoa, đồ vải, in tờ rơi đặt trong các buồng phòng cùng những mẩu giấy ghi chú nhắc nhở, khuyến khích du khách tham gia bảo vệ môi trường của Saigon-Morin đã được nhiều cơ sở lưu trú trên cả nước học hỏi, áp dụng như một cách làm thương hiệu mới.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm, mô hình thiết thực này không được nhân rộng tại Huế.

Theo ông Trần Viết Lực – Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch (Sở VHTTDL Thừa Thiên-Huế), nguyên nhân là do sự tăng trưởng mạnh lượng khách du lịch dẫn đến sự phát triển ồ ạt, thiếu bền vững các cơ sở lưu trú.

Thừa Thiên Huế hiện có 535 cơ sở lưu trú với khoảng 17000 phòng. Trong khi đó, chỉ riêng đợt Festival 2012,  lượng khách đã tăng đột biến lên 180.000 lượt, trong đó có hơn 80.000 khách quốc tế, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 54,2% so với Festival 2010.

Số liệu thống kê tại Sở VHTTDL Thừa Thiên-Huế cho biết: tính đến đầu tháng 7/2012, lượng khách đến Huế ước tính đạt 1.300.000 lượt, trong đó khách lưu trú đạt gần 900.000 lượt. Mức tăng trưởng khách đạt khoảng 10,7%. Số cơ sở lưu trú không đủ đáp ứng nhu cầu du khách vào mùa cao điểm

Đại diện khách sạn Festival Huế cho biết, công suất phòng tại đây vào mùa cao điểm luôn đạt từ 80-100%. Do đó, việc hạn chế tiết kiệm năng lượng cũng như kêu gọi du khách tham gia bảo vệ môi trường trong điều kiện quá tải là không dễ dàng.

Chính sách tiết kiệm năng lượng và tái sử dụng nguyên liệu được thực hiện tại khách sạn rất tốt như sử dụng bóng đèn điện công suất thấp, treo rèm dọc hành lang vào các thời điểm nắng nóng trong ngày để hạ nhiệt độ, phân loại rác thải…

Tuy nhiên, việc in các mẩu ghi chú nhắc nhở khách hàng tiết kiệm năng lượng, giữ vệ sinh chung chưa được thực hiện.

Đại diện khách sạn cho rằng cần có một chiến dịch tuyên truyền, khuyến khích du khách đến Huế tham gia bảo vệ môi trường cũng như quy định chung tới các cơ sở lưu trú thì mới nâng cao hiệu quả của mô hình du lịch xanh, không thể chỉ trông cậy vào hoạt động nhỏ lẻ của từng cơ sở lưu trú.

Tuy nhiên đến nay chưa có một chính sách nào mang tính bắt buộc hoặc khuyến khích các cơ sở lưu trú tham gia vào phát triển mô hình du lịch xanh này.

Hiện trong quy hoạch du lịch thành phố Huế, các khách sạn không được xây dựng bên bờ sông Hương nhằm tránh tình trạng xả chất thải gây ô nhiễm trực tiếp lên môi trường sông. Ngoài ra, những quy định liên quan đến việc sử dụng năng lượng, hệ thống xử lý chất thải tại các điểm lưu trú vẫn chưa được nhắc đến.

Tour “xanh” sẽ tan khi dự án tài trợ kết thúc?

Ngoài du lịch di sản, sản phẩm du lịch cộng đồng dưới sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ cũng đang là sản phẩm hút khách và mang tính đặc sản của du lịch Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, sản phẩm này đang phải đối diện với nguy cơ tan khi dự án kết thúc.

6 tour du lịch sinh thái cộng đồng do nhóm Du lịch trách nhiệm tại Huế (RTG) thực hiện theo dự án tài trợ của SNV đang nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Với điểm đến là những vùng thôn quê (làng cổ Phước Tích, phá Tam Giang, chiến trường xưa A Lưới, làng quê Cầu Ngói Thanh Toàn…), cơ sở vật chất và con người là hai yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển tour.

 

Khi có dự án, một số hạng mục hạ tầng được đầu tư thí điểm nhằm gợi mở và khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng sản phẩm. Bên cạnh đó là các khóa tập huấn kỹ năng và kiến thức du lịch miễn phí cho người dân. Dự án kết thúc, các doanh nghiệp khó duy trì tour do không đủ kinh phí lớn để đầu tư tiếp theo. Đặc biệt là những hạng mục thiết yếu như cầu – đường – trường  - trạm.

Một số dự án khác thực hiện chính sách giám sát từ 1-2 năm nhằm bảo vệ kết quả dự án như dự án Phát triển du lịch cộng đồng thí điểm tại làng Cầu Ngói Thanh Toàn do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ.

Song, các dự án chỉ thực hiện thí điểm tại vài ba hộ dân, với một nhóm nhỏ được hưởng lợi. Việc kết nối các điểm tham quan, kết nối tour, phát triển hạ tầng cơ sở và nhân rộng mô hình ra nhiều hộ dân, từ đó phát triển sản phẩm lâu dài phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế đầu tư từ chính quyền địa phương.

Ông Trần Viết Lực cho biết, tăng trưởng xanh và phát  triển sản phẩm du lịch xanh sẽ được nhấn mạnh trong các quy hoạch sản phẩm du lịch của Thừa Thiên Huế tới đây.

Tuy nhiên, theo ông Lực, cơ quản quản lý du lịch chỉ có thể đưa ra những khuyến khích và gợi mở, kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng sản phẩm chứ không thể đầu tư xây dựng sản phẩm.

“Các doanh nghiệp cần tăng cường sự liên kết để tạo tiềm lực cho các dự án đầu tư trên cơ sở cùng xây dựng, cùng khai thác, cùng hưởng lợi. Bên cạnh đó, với loại hình du lịch “xanh”, người dân phải ý thức sâu sắc về làm du lịch bền vững.

Các giá trị văn hóa làng quê là yếu tố cốt lõi của tour du lịch sinh thái cộng đồng. Việc phát triển du lịch mang tính chất quảng bá và duy trì giá trị văn hóa đó bên cạnh việc tăng thêm thu nhập cho người dân chứ không thể làm giàu. Nếu người dân không ý thức được điều đó thì sản phẩm này không thể thành công được”.

Nguồn: Báo Tổ quốc