Tây Hồ nhiều cây di sản nhất

Cập nhật: 15/08/2012
Quận Tây Hồ, TP Hà Nội, có nhiều cây cổ thụ được công nhận là cây di sản nhất nước và đây cũng là nơi chín cây muỗm ngót nghét nghìn tuổi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam công nhận là những cây di sản đầu tiên ở Việt Nam - theo thông tin tại lễ công nhận hai cây đa ở đình Phú Gia sáng nay.

Sáng 13/8, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân Phường Phú Thượng, Ban Quản lý Di tích Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ - Hà Nội) công nhận hai cây đa ở đình Phú Gia là cây di sản Việt Nam.

“Quận Tây Hồ có phong trào bảo tồn cây di sản tốt nhất, với quy mô và số cây đứng đầu cả nước”, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ vinh danh hai cây đa ở đình Phú Gia sáng 13/8.

Ban quản lý di tích đình Phú Gia cho biết hai cây đa được trồng cách đây hơn trăm năm ở hai bên đình đông và đình tây.

“Đây là công lao của các thế hệ trước đây đã trồng và thế hệ ngày nay đã bảo vệ tốt để cây càng được sống trường tồn với cuộc sống của chúng ta”, TS Sinh vui mừng.

Ông Vũ Hoài Phương, trưởng phòng văn hóa thể thao&du lịch quận Tây Hồ, cho biết đến nay quận Tây Hồ có 24 cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam trong đó đáng chú ý có cụm chín cây muỗm ở đền Voi Phục, hay cây thị trên nghìn năm tuổi ở phường Xuân La.

Việc công nhận cây di sản là việc làm thiết thực vừa thể hiện đạo lý nhớ nguồn của người Việt Nam, biết trân trọng quá khứ, nhất là những di sản của thiên nhiên và các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế; vừa góp phần giáo dục bảo vệ môi trường - vấn đề đang trở thành mối quan ngại của toàn nhân loại mà trong đó vai trò của từng người trong cộng đồng là hết sức cấp thiết, ông Vũ Hoài Phương chia sẻ.

Theo sử sách, làng Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã suy tôn thần Khai Nguyên, một tướng thời Hùng Vương thứ sáu có công đánh giặc Ân giữ nước, làm thành hoàng làng. Tương truyền ngài còn có công trị nạn hồng thủy, đem lại bình yên, hạnh phúc cho dân lành và được vua ban 12 đạo sắc, phong làm Thành hoàng làng với 12 chữ “Cứu nước, cứu dân, âm phù, dương trợ, dân tình yên ổn”.

Đình Phú Gia còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật. Đáng chú ý là hai cuốn thần phả bằng chữ Hán ghi công tích của thần Khai Nguyên. 12 Đạo sắc phong, trong đó có 8 đạo thời Lê, 1 đạo thời Tây Sơn và 3 đạo thời Nguyễn. Mới đây, người dân địa phương đã bổ sung thêm 4 đạo sắc phong nữa, ngoài ra đình đang lưu giữ một đôi hạc, một đôi lân, một đôi kim kê được tạc khắc tinh xảo cùng nhiều hiện vật thờ tự khác từ thế kỷ XVII. Đặc biệt trong đình Phú gia còn lưu giữ tấm bài vị thời Mạc, đó là hiện vật cực kỳ quý hiếm của thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Nguồn: VEA