Cồng chiêng có giá trị đặc biệt trong đời sống tinh thần các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tất cả các lễ hội trong năm đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.
Từ đó đến nay, công tác bảo tồn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng đã được các tỉnh Tây Nguyên rất chú trọng.
Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề đang làm cho các nhà quản lý văn hóa lo lắng, đó là không gian và hồn thiêng trong tiếng cồng chiêng đang dần mất đi. Điều đáng quan tâm hiện nay là, ở lớp người trẻ tuổi, không những đơn giản hóa quan niệm về cồng chiêng mà khả năng tiếp thu để diễn tấu các bài bản chiêng của họ cũng rất hạn chế; có nhiều người không thể phân biệt đâu là bài chiêng dùng trong lễ phát rẫy, lễ phơi rẫy, lễ xuống giống và đâu là bài chiêng trong lễ tạ ơn rìu rựa, lễ tắm lúa, lễ cúng bến nước.
Nguy hiểm hơn, xu thế mất dần tính thiêng của cồng chiêng Tây Nguyên còn được thể hiện ở chỗ, nhiều người tỏ ra rất tùy tiện trong việc sử dụng các bộ chiêng thiêng. Trong các buôn làng ngày xưa, cồng chiêng thường chỉ được sử dụng trong các lễ lớn của gia đình, dòng tộc hoặc buôn làng thì nay, cũng ngay trong cái không gian buôn làng ấy, việc “mua vui” cho “người ngoài” đã trở nên một hiện tượng không hiếm.
Chính vậy, cần có một chương trình nghiên cứu khoa học cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với 3 nhóm công việc: sưu tầm và nghiên cứu; bảo tồn và phục hồi; truyền dạy và quảng bá. Mới đây, UBND tỉnh đã giao cho Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh triển khai thực hiện đề tài “Phương pháp dạy và học cồng chiêng của đồng bào Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai” nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo về cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tìm ra phương pháp dạy và học cồng chiêng của Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đề án này, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai trước mắt là thành lập Khoa Nhạc cụ dân tộc trong đó có đào tạo chuyên ngành đàn T’rưng và cồng chiêng, hàng năm sẽ tuyển sinh từ 30 đến 45 học sinh là người Bahnar, Jrai để đào tạo và cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp. Tổ chức các lớp học bồi dưỡng về chỉnh chiêng, đánh cồng chiêng cho 17 đơn vị hành chính cấp huyện hàng năm với khoảng 500 chỉ tiêu.
Với quyết tâm nhằm đưa âm nhạc cồng chiêng đến với thế hệ trẻ Gia Lai, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, môn học cồng chiêng được Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai chính thức đưa vào giảng dạy trong chương trình đào tạo dành cho các lớp nghệ thuật như: âm nhạc, múa, nhạc cụ và là môn tự chọn đối với các lớp nghiệp vụ: quản lý văn hóa, văn hóa du lịch. Lớp học đầu tiên trong năm học này có khoảng hơn 30 người, bao gồm một số giáo viên Khoa Nhạc và học sinh lớp Quản lý văn hóa và Văn hóa du lịch của trường. Lớp học sẽ do nghệ nhân Nay Phai giảng dạy với thời lượng 30 tiết kể từ ngày 20-8-2012 đến ngày 25-8-2012 tại Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai.
Hy vọng với những nỗ lực của nhà trường nhất định cồng chiêng của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên sẽ được bảo tồn có tính chất bền vững và trường tồn.