Các làng nghề truyền thống ở nước ta rất đa dạng và là tiềm năng cho phát triển du lịch làng nghề. Phát triển làng nghề gắn với du lịch sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tạo thêm nhiều việc làm mới.
Theo Hiệp hội Làng nghề, hiện nay cả nước có khoảng 3.000 làng nghề, trong đó có 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề, khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau trong đó rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Các làng nghề thường nằm theo trục giao thông (cả đường bộ lẫn đường thuỷ) chính là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch. Có thể nói, đây chính là “giá trị tăng thêm” của làng nghề.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước đã có 16 tour du lịch làng nghề, như: Bát Tràng (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), Chu Đậu (Hải Dương), Mộc (Kim Bồng), Gốm (Đồng Nai), tour làng nghề Hà Tây (Hà Tây), Bến Tre…
Theo các chuyên gia du lịch, đối với du lịch làng nghề, mặc dù đã bắt đầu được quan tâm để phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch nhưng so với tiềm năng thì việc khai thác hiệu quả chưa cao.
Ông Katsuhiro Ando, chuyên gia phát triển du lịch của JICA cho biết, qua thực hiện chương trình hợp tác tại các điểm làng nghề gắn với du lịch ở Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, vấn đề đặt ra là địa phương cần phải thấy được ngành nghề đặc thù, qua đó phát triển nó rồi hướng vào việc phát huy giá trị du lịch của chính lợi thế này.
Còn theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), một trong những hướng phát triển làng nghề và du lịch làng nghề hiện nay là gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
Th.s. Hoàng Hoa Quân cho rằng, đối với du lịch làng nghề, để phát triển phù hợp với bối cảnh mới, cần chú trọng việc sớm hoàn chỉnh các quy định pháp lý liên quan đến du lịch làng nghề, tập trung đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có làng nghề truyền thống, tăng cường khả năng tiếp cận của khách du lịch đến các làng nghề, nâng cao chất lượng các dịch vụ tại điểm đến du lịch (đặc biệt là vệ sinh môi trường), xây dựng các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, sản xuất thử nghiệm cho khách tự tham gia để thu hút khách.
Cùng với đó cần dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm thủ công truyền thống để hấp dẫn khách du lịch, tăng cường quảng bá và công tác đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực, bao gồm nâng cao tay nghề, hướng nghiệp tốt cho nhân dân để phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân bản làng, phục vụ tại các cơ sở dịch vụ...
Du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 đã xác định chuyển hướng phát triển ngành từ bề rộng sang chiều sâu với trọng tâm hướng vào nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Như vậy, phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng phát triển bền vững.