Xứng đáng trở thành Vườn Quốc gia của Việt Nam

Cập nhật: 03/10/2012
Đó là khẳng định của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý tại Hội thảo khoa học “Phia Oắc và Phia Đén - Báu vật thiên nhiên Quốc gia” được tổ chức sáng 2-10 tại Cao Bằng. Hội thảo do UBND tỉnh Cao Bằng, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VACNE), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ tổ chức.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật những đặc điểm đa dạng về địa hình, địa mạo, khí hậu đặc trưng đã tạo nên các hệ sinh thái (HST) đặc thù của vùng núi cao Phia Oắc, cũng là nền tảng cấu thành tính đa dạng sinh học (ĐDSH) của vùng. Đây là một dãy núi có địa hình phức tạp, núi đất xen với hệ thống núi đá, độ dốc lớn, nhiều nơi dốc thẳng đứng, địa hình chủ yếu là núi cao, thung lũng nhỏ hẹp. Rừng phân bổ ở độ cao từ 700m trở lên. Trong đó, đỉnh Phia Oắc cao 1.931m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao thứ hai ở Cao Bằng. Phia Oắc - Phia Đén vẫn còn giữ được tính nguyên thủy, tiềm ẩn nhiều điều kỳ thú về giá trị khoa học và nhân văn của Cao Bằng nói riêng và khu vực Đông Bắc Bắc bộ nói chung.

Tiến sĩ Lê Trần Chấn, Trung tâm địa Môi trường và Tổ chức Lãnh thổ cho biết, qua kết quả nghiên cứu kết hợp với các tài liệu tham khảo liên quan cho thấy, đây là một khu rừng còn giữ được nhiều nét nguyên sinh, đặc biệt có một số HST đặc trưng cho vùng núi cao như: HST rừng lùn, rừng rêu. Trong hệ thực vật có hàng nghìn loài thực vật, trong đó có một số loài cây có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như: cây gù hương hay còn gọi là re hương; lát hoa, sến mật, nghiến, thiết sam giả, thiết sam núi đá… cùng với nhiều cây thuốc quý; quần thể phong lan đa dạng; cây cho hoa, quả như: trám trắng, trám đen, bứa, dọc, dâu da, vải rừng, nhãn rừng, sung, vả... Với các thảm xanh bốn mùa tươi tốt, đây là nơi tạo điều kiện sinh tồn cho khu hệ động vật hoang dã; bước đầu đã thống kê gần 80 loài động vật có vú, hàng trăm loài chim, bò sát và lưỡng cư, hàng vạn các loại côn trùng (cánh cừng, bướm, chuồn chuồn) cùng các loại thủy sinh vật trong các khe, suối. Trong đó, có một số loài thuộc diện quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam, sách đỏ thế giới như: hươu xạ, sơn dương, cu li lớn, cu ly nhỏ, vượn đen đông bắc, khỉ cộc, gấu ngựa, cầy sao, cầy hương… và hàng trăm các loài thủy sinh vật có giá trị kinh tế cao.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã đề cập đến thực trạng khai thác tài nguyên thiếu cơ sở khoa học trên rừng Phia Oắc. Các nhà khoa học cho rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp bảo tồn rừng Phia Oắc góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ngày nay và thế hệ mai sau.

Nguồn: QĐND Online