Chúng tôi tìm đến trụ sở của Ban quản lý Hồ Tây nằm trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ (Hà Nội). Sau khi trình bày lý do, ông Phương Văn Vĩnh - Phó Trưởng ban quản lý Hồ Tây đề nghị PV lên làm việc trước với lãnh đạo quận Tây Hồ, vì đấy là cơ quan chủ quản.
- Ai quản lý Hồ Tây?
Tuy nhiên, sau một hồi giải thích, ông Vĩnh cũng đồng ý trao đổi ngắn gọn nội dung mà Báo Du lịch cần, tuy nhiên đề nghị PV vẫn phải lên gặp lãnh đạo quận Tây Hồ. Đề cập tới cảnh quan, môi trường Hồ Tây đang bị xâm hại, ô nhiễm, trách nhiệm quản lý Hồ Tây là của ai?, ông Vĩnh cho hay: Trách nhiệm của quận Tây Hồ, của Ban quản lý Hồ Tây, rộng hơn đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của nhân dân, quan trọng nhất đó là ý thức của người dân. Trao đổi với ông Lê Quang Chính - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, quận Tây Hồ thì nhận được lời khẳng định: Trách nhiệm quản lý Hồ Tây là UBND quận Tây Hồ và việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể liên quan tới Hồ Tây là Ban quản lý Hồ Tây. Ông Chính cho biết: Trước năm 2009, Hồ Tây do một số đơn vị quản lý như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Du lịch, UBND quận Tây Hồ… Mỗi đơn vị có một chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng đều cùng nhiệm vụ khai thác, phát huy giá trị Hồ Tây. Để thống nhất trong việc quản lý Hồ Tây, vào tháng 8/2009, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND, Ban hành Quy định về quản lý Hồ Tây, thành lập Ban quản lý Hồ Tây trực thuộc UBND quận Tây Hồ để thực hiện nhiệm vụ quản lý Hồ Tây, bao gồm quản lý: môi trường nước thải, chất lượng nước hồ, mực nước và vệ sinh mặt hồ; môi trường không khí và các chất thải, rác thải; hệ thống hạ tầng; quy hoạch xây dựng và kiến trúc; việc nuôi trồng thủy sản; các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí; hoạt động của các phương tiện thủy và cứu hộ trên Hồ Tây.
Trong quyết định này cũng phân công rõ trách nhiệm của UBND quận Tây Hồ, trách nhiệm của các phường liên quan, cùng trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan:Tài nguyên- Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính, Nội vụ, một số Sở, ngành khác cùng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình.
Ông Phương Văn Vĩnh - Phó Trưởng ban quản lý Hồ Tây cho hay: Sau khi ra đời, Ban quản lý Hồ Tây đã tiến hành thành lập lực lượng bảo vệ hồ, phối hợp với các đơn vị chức năng thành lập đội kiểm tra liên ngành chủ chốt là lượng lượng Cảnh sát môi trường, Tài nguyên môi trường, đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và xử lý các vi phạm ở Hồ Tây. Ban quản lý đã phối hợp với Công ty CP Môi trường và Sinh thái Sao Mai tổ chức triển khai việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên bờ xung quanh Hồ Tây cùng với Xí nghiệp Môi trường Hồ Tây thuộc Công ty Hồ Tây đảm nhận nhiệm vụ làm vệ sinh môi trường trên mặt nước Hồ Tây, thu gom rác thải, chất thải, chống đổ phế thải, rác thải xuống Hồ Tây.
Ngoài ra, Ban quản lý Hồ Tây cũng có sự phối hợp với chính quyền, công an các phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2012, Xí nghiệp Môi trường Hồ Tây đã vớt được 451,66 tấn rác thải các loại ở Hồ Tây.
Còn nhiều bất cập
Dẫn chúng tôi đi khảo sát “nhà kho” tạm thời để lưu giữ quần áo, bàn ghế, cần câu cá, lưới bắt cá… Thiếu tá Kiều Hồng Hải - Phó Trưởng Công an phường Thụy Khuê cho biết: Đây là những đồ vật của người dân cố tình bán hàng rong, câu các trộm ở Hồ Tây phía đường Thanh Niên. Khi thu gom về, mặc dù đã thông báo nhiều lần, người vi phạm vẫn không đến nộp phạt, do mức xử phạt vi phạm đối với các hành vi theo NĐ 34/CP còn quá cao(?) Chẳng hạn, vi phạm lấn chiếm vỉa hè phạt 20 triệu đồng/lượt, câu cá trộm sẽ bị xử phạt mức 1, 5 triệu đồng/ lượt, với mức phạt như vậy là hơi cao, nên đa phần những người vi phạm không chịu đến nộp phạt, bỏ tất cả đồ bị thu giữ. Khi đó, buộc Công an phường phải báo cáo ban 197 cùng ban tư pháp xử lý các đồ vật vi phạm, đối với các loại quần áo thì chuyển đến những tổ chức làm từ thiện.
Theo Thiếu tá Hải: Khu vực đường Thanh Niên thuộc phường quản lý, nơi thường xuyên có khách quốc tế và du khách trong nước đến tham quan, thư giãn và cũng là nơi tình trạng vi phạm lấn chiếm, bán hàng rong, xả xác, câu cá trộm ngang nhiên hoạt động. Gần đây, do Công an phường Yên Phụ làm mạnh, nên người dân ở nhiều nơi đã tụ tập sang khu vực đường Thanh Niên gần chùa Trấn Quốc, thuộc địa bàn của phường Thụy Khuê họp chợ cóc, bán quần áo, hàng ăn, thực phẩm tươi sống, gây mất trật tự và gây ô nhiễm môi trường. Công an phường đã cùng lực lượng trật tự, lực lượng của Ban quản lý Hồ Tây, phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời tại các điểm nóng trên địa bàn, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên tình trạng vi phạm vẫn diễn ra.
Trao đổi cùng Đại úy Lê Mạnh Việt - Phó Trưởng Công an phường Yên Phụ, được biết: Qua trinh sát nắm tình hình cho thấy, có một đối tượng câu cá trộm ở Hồ Tây chuyên sống bằng nghề câu cá trộm, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, khi các lực lượng bảo vệ, thậm chí có cả lực lượng công an đi cùng kiểm tra, nhắc nhở, thu giữ đồ câu, thì các đối tượng này tỏ thái độ chống đối, chửi bới, gây khó khăn cho công tác giữ gìn trật tự.
Cùng với tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm, xả rác xuống Hồ Tây, là tình trạng Hồ Tây bị ô nhiễm. Trao đổi cùng ông Phương Văn Vĩnh - Phó Trưởng ban quản lý Hồ Tây cũng như lãnh đạo quận Tây Hồ cho thấy: Hồ Tây đang bị ô nhiễm rất nặng nề. Hiện nay, đang tồn tại nhiều cống xả thải vào hồ, trong đó có cống lớn và nhiều cống nhỏ, đáng chú ý, tập trung nhất là cống thải ở số 2-4 Thụy Khuê, cống tàu bay, cống sau Công viên nước. Trong lòng Hồ Tây chứa nhiều chất thải xây dựng, có rất nhiều bát hương, bát, đĩa, lọ do người dân vứt xuống dịp chuẩn bị đón năm mới tích tụ theo năm tháng. Mặt khác, hồ chưa bao giờ được nạo vét, không có đường thông với sông Hồng để có thể thay đổi nguồn nước, mức độ ô nhiễm bùn trong hồ đáng báo động. Hằng ngày, nhân viên vệ sinh môi trường mới chỉ dọn được rác thải trong ngày, còn rác thải dưới đáy chưa dọn được.
Cùng với rác thải, hiện nay ở Hồ Tây, khu vực phía sau vườn hoa Lý Tự Trọng, sau Công viên nước có một số nhà nổi đang hoạt động, có một số nhà nổi cũ, hỏng, không hoạt động nhưng vẫn cứ nằm soi bóng xuống Hồ Tây, trông thật phản cảm.
Có thế nói, những vấn đề liên quan tới môi trường, cảnh quan Hồ Tây đã và đang trở nên ngày càng bức xúc. Mặc dù đã có sự phân cấp rõ ràng, các đơn vị chức năng có sự phối hợp vào cuộc để kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, do còn nhiều nguyên nhân trong đó, có vấn đề liên quan tới công tác phối kết hợp kiểm tra, xử lý, các chế tài, mức xử phạt, công tác tuyên tuyền,… đang cần được quan tâm, giải quyết triệt để trả lại cho Hồ Tây xanh-sạch và đẹp hơn.