Chiều 12/10, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến; ông Hồ Đình Chinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ; đại diện UBND, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thuộc các tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thập niên 2010 - 2020 được quốc tế ghi nhận là thập niên của Đa dạng sinh học. Cộng đồng thế giới đã cam kết thực hiện các mục tiêu chiến lược về đa dạng sinh học của toàn cầu đến năm 2020, bao gồm 20 mục tiêu đã được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học lần thứ 10 tại Nagoya, Nhật Bản năm 2010 nhằm giảm tốc độ mất đa dạng sinh học trên hành tinh của chúng ta. Trong đó, việc thực hiện các Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và lồng ghép nội dung đa dạng sinh học trong các ngành, lĩnh vực hết sức quan trọng để thực hiện các mục tiêu chung của thế giới cũng như mục tiêu cụ thể của mỗi quốc gia.
Trong thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều văn bản chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học đã được ban hành và tổ chức thực hiện rộng khắp trên cả nước. Luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội thông qua năm 2008 khẳng định cam kết và quyết tâm bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Để triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học 2008, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược được xây dựng nhằm đảm bảo sự đóng góp vào mục tiêu chiến lược của toàn cầu (mục tiêu Aichi) và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cũng nhấn mạnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc họp hội thảo nhằm thu thập các ý kiến góp phần hoàn thiện nội dung của Chiến lược để có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong Quý 1 năm 2013. Đồng thời huy động được sự tham gia sâu rộng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức trong nước và các bên liên quan và đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo nhằm thu thập các ý kiến đóng góp cho việc xây dựng nội dung của bản Chiến lược này. Ở cấp Trung ương, từ năm 2011 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập để xây dựng bản Dự thảo. Các ý kiến góp ý của Ban soạn thảo liên Bộ, Tổ biên tập đều được tiếp thu và điều chỉnh trong dự thảo Chiến lược.
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến chỉ đạo tập trung thảo luận vào những vấn đề sau: Nhận diện các thách thức trong quản lý đa dạng sinh học; Lựa chọn các vấn đề trọng tâm ưu tiên của Chiến lược cho 8 năm tiếp theo (2012-2020); Xác định vai trò và sự tham gia của các bên liên quan trong triển khai Chiến lược, đặc biệt là vai trò của UBND và các cơ quan quản lý cấp tỉnh…
Theo báo cáo tại Hội thảo, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú và đặc hữu. ĐDSH ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn, các hệ sinh thái với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn dược liệu, thực phẩm… Ngoài ra, các hệ sinh thái còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu và bảo vệ môi trường. ĐDSH còn là nguồn cảm hứng văn hoá nghệ thuật của con người từ hàng ngàn năm nay, được thể hiện qua các bức vẽ tạc khắc từ xa xưa.
Bên cạnh ưu thế với các hệ sinh thái tự nhiên đặc thù và thành phần loài sinh vật đa dạng, trong hơn 20 năm qua, nhiều loài sinh vật mới cho khoa học được phát hiện đã khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của ĐDSH Việt Nam. Một loài thú móng guốc lớn mới là sao la (Pseudoryx nghetinhensis) đã được phát hiện vào năm 1992. Đây là loài động vật trên cạn lớn nhất thế giới được phát hiện kể từ năm 1937 (năm phát hiện loài bò xám – Bos sauveli) ở Đông Dương. Ba loài thú mới khác cũng cũng được phát hiện trong thời gian qua, đó là: cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis) và mang trường sơn (Munticus truongsonensis). Gần đây nhất, năm 2011, loài chồn bạc má cúc phương (Melogale cucphuongensis) được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Nhiều loài sinh vật mới khác cũng đã được phát hiện và mô tả ở Việt Nam. Đó là: 3 loài rùa, 15 loài thằn lằn, 4 loài rắn, 31 loài ếch, 55 loài cá, hơn 500 loài động vật không xương sống và hơn 200 loài thực vật có mạch (tập hợp nhiều nguồn dẫn liệu từ Viện STTNSV, Tạp chí Sinh học và các Tạp chí Zoo Taxa, Crustaceana...).
Với những đặc điểm đó, Hội thảo cũng chỉ ra các mục tiêu chiến lược để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật, chính sách và tổ chức quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học: Đến năm 2020, thể chế, tổ chức bộ máy quản lý thống nhất về bảo tồn đa dạng sinh học được thiết lập và thực thi hiệu quả; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, chú trọng về nguồn lực tài chính và nhân lực; Thiết lập và vận hành thống nhất khung pháp luật và chính sách về bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học; Đưa các giá trị và chỉ tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào các chiến lược, kế hoạch và chương trình tại cấp quốc gia, ngành và địa phương, bao gồm chiến lược xoá đói giảm nghèo và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các chương trình trồng rừng và chống suy thoái rừng; Giá trị kinh tế của đa dạng sinh học được lượng giá và đưa vào hệ thống thống kê, báo cáo của quốc gia; Thiết lập và đưa vào hoạt động mạng lưới quan trắc, hệ thống báo cáo và cơ sở dữ liệu về ĐDSH từ Trung ương đến địa phương; Đến năm 2015, Chính phủ phê duyệt Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; các quy định về thực hiện Nghị định thư được ban hành và thực hiện; Đến năm 2020, ban hành và thực thi được các quy định pháp luật về bảo vệ các tri thức truyền thống về nguồn gen.
Các đại biểu về dự Hội thảo cũng đã nhiệt tình trao đổi, góp ý cho quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phù hợp với thời kỳ mới, đồng thời thực hiện cam kết đối với Công ước đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.
Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một bộ phận không thể tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, tạo cơ sở cho phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.