Trong những năm gần đây, tỉnh ta đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.
Bước đầu, kinh tế du lịch đã đạt được kết quả khả quan, trong đó năm 2011 thu hút trên 600 nghìn lượt khách, doanh thu xã hội đạt 560 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, những thành quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Khơi dậy tiềm năng
Tuyên Quang là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có nhiều cảnh đẹp tự nhiên, lễ hội truyền thống đặc sắc, nhiều đình, chùa, đền có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng và đời sống tâm linh của nhân dân. Cùng với trên 500 di tích lịch sử văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc cùng danh thắng, Tuyên Quang là một bảo tàng lịch sử - văn hóa, điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.
Cùng với phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông lâm nghiệp, các hoạt động du lịch, dịch vụ không ngừng được mở rộng. Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, các ngành dịch vụ, du lịch trong tỉnh đã phát triển theo đúng định hướng, có chuyển biến tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho bước phát triển tiếp theo. Du lịch đang trở thành ngành kinh tế thực sự. Năm 2006 thu hút 330 nghìn lượt khách, doanh thu xã hội đạt 290 tỷ đồng. Năm 2011 thu hút trên 600 nghìn lượt khách, doanh thu xã hội đạt 560 tỷ đồng. Năm 2012, toàn tỉnh phấn đấu thu hút trên 700 nghìn lượt khách du lịch. Đặc biệt, trong Tuần Văn hóa Du lịch năm 2012 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc năm 2012 vừa qua, đã thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương tới du lịch, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Trong đó lễ hội đường phố là của thành phố Tuyên Quang là một nét văn hóa độc đáo có một không hai đã tạo ấn tượng sâu đậm trong mỗi du khách đến với Tuyên Quang. Trong những ngày diễn ra ngày hội, các dịch vụ lưu trú khu vực gần thành phố Tuyên Quang luôn trong tình trạng quá tải. Thậm chí nhiều khách du lịch ở địa phương khác còn thuê cả nhà dân để lưu trú. Nhiều dịch vụ ăn uống chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Để tạo động lực cho du lịch phát triển, tỉnh đã rất chú trọng việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bên cạnh đó là việc khôi phục, phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống như Lễ hội đường phố, Hội đua thuyền trên sông Lô, Lễ rước Mẫu, Lễ hội Lồng tông, Hội chọi trâu, Hội thi trâu... Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch; phát triển một số điểm, khu du lịch, trong đó có du lịch hồ thủy điện Tuyên Quang, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch Động Tiên, tạo nên sự đa dạng các loại hình du lịch, như du lịch di tích lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Cùng với đó là khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ lưu trú khách, các nhà hàng, khu ẩm thực...
Theo ông Tạ Quang Chiến, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, đối các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến đã được công nhận, tỉnh có thể hình thành “Du lịch hoài niệm” bằng cách tiếp tục phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa để hình thành làng văn hóa, tạo cho du khách tâm lý nhớ về chiến khu xưa, lịch sử đấu tranh giữ nước... Quy tụ các di tích lịch sử, văn hóa thành trung tâm để thỏa mãn nhu cầu của du khách đến tham quan, học tập và giải trí. Đồng thời phát huy những hoạt động mang tính tự phát của người dân nhưng thu hút khách.
Hòa nhập với vùng
Tuyên Quang có lợi thế về vị trí địa lý trong mối liên kết với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Đây là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các tua, tuyến du lịch. Hiện tỉnh ta đã hợp tác phát triển du lịch với một số địa phương như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội... Tuy nhiên sự phối hợp mới chỉ mang tính bề nổi, chưa có chiều sâu, hiệu quả kinh tế còn thấp. Nếu không có giải pháp thỏa đáng và những bước phát triển đột phá, phát triển du lịch sẽ thiếu yếu tố bền vững.
Tại Hội nghị phát triển du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc vừa được tổ chức tại tỉnh, một số đại biểu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và Vụ Thị trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cho rằng, cần ý thức được thế mạnh này để phát triển thành trung tâm của sự kết nối; chủ động phối hợp với các tỉnh trong vùng Việt Bắc có nhiều di tích lịch sử, văn hóa để phát triển tua du lịch về nguồn; chú trọng liên kết các tuyến nối các khu, điểm du lịch để tạo thành chương trình khép kín. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phát hiện và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh. Về lâu dài cần đặt ra mục tiêu không chỉ thu hút khách du lịch trong nước mà mạnh dạn hướng tới khách du lịch nước ngoài. Đối với các tua du lịch trong vùng, phải hướng đến việc du khách có thời gian lưu trú tại tỉnh lâu ngày.
Theo ông Lương Duy Ngân, Công ty Du lịch quốc tế Ngôi sao mới (Hà Nội), với những tiềm năng về du lịch, Tuyên Quang cần giải quyết được những yếu tố như: Nâng cấp và cải tạo thường xuyên tuyến đường giao thông với các địa phương lân cận, rút ngắn thời gian di chuyển cho khách du lịch; khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng đáp ứng nhu cầu của khách trong nước và quốc tế; giữ gìn và bảo vệ cảnh quan môi trường; phát huy các loại hình du lịch văn hóa tâm linh; nghiên cứu kỹ lịch sử và tái tạo theo đúng nguyên trạng các di tích lịch sử, tái hiện lịch sử một cách chân thực và sống động...
Tăng cường quảng bá
Là tỉnh miền núi nằm trong nhóm tỉnh nghèo của cả nước, điểm xuất phát thấp về kinh tế du lịch. Vì vậy, phát triển du lịch trong thời gian qua vẫn bộc lộ những mặt hạn chế như việc quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch còn chậm; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông chưa phát triển mạnh nên chưa tạo được môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư; dịch vụ vui chơi giải trí chưa đáp ứng nhu cầu; hoạt động du lịch chưa có tính chuyên nghiệp; sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương còn nghèo nàn, chưa được quảng bá rộng rãi.
Nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, tỉnh ta đã bước đầu giới thiệu, quảng bá các di tích, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán, sản phẩm du lịch, những sự kiện văn hóa nổi bật đến với du khách trong nước và quốc tế. Công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch để thu hút du khách của tỉnh trong những năm qua, vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng. Dẫn chứng là một số trang thông tin điện tử như: sovhttdltuyenquang.vn, dulichtantrao.com.vn... hoạt động chưa hiệu quả. Một số ấn phẩm về văn hóa, du lịch phát hành chưa rộng rãi. Chính vì thế, cần có những giải pháp tích cực để đẩy mạnh công tác này.
Để phản ánh đúng tiềm năng thế mạnh của du lịch, các cấp các ngành cần tiếp tục tạo những bước đột phá trong phát triển du lịch. Trong đó, phải xác định rõ thị trường, những thế mạnh cần được ưu tiên phát triển. Là một trong những người đứng đầu cơ quan truyền thông về du lịch của Việt Nam, ông Nguyễn Đức Xuyên, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch Việt Nam cho rằng, Tuyên Quang cần tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa kết hợp với việc giáo dục truyền thống yêu nước cho khách nội địa. Cụ thể, quảng bá, xúc tiến du lịch qua các ấn phẩm báo chí, tạp chí du lịch; sử dụng internet để quảng bá các điểm du lịch và các sản phẩm du lịch; sử dụng kỹ thuật marketing truyền miệng; tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch.
Cũng theo những người có chuyên môn trong lĩnh vực du lịch đã tham gia Hội nghị phát triển du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc, du lịch là một ngành nhạy cảm, rất cần đến tuyên truyền, quảng bá. Trong đó báo chí là một trong những kênh tuyên truyền, quảng bá tốt nhất. Các đại biểu đã cho rằng tỉnh cần dành một khoản kinh phí để phối hợp tuyên truyền thông qua các ấn phẩm báo, tạp chí xuất bản định kỳ của ngành du lịch và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Hoặc tăng cường xuất bản các ấn phẩm khác như tập san, tờ rơi, video... theo từng hoạt động cụ thể. Cùng với đó là tích cực tham gia các sự kiện du lịch lớn trong nước để quảng bá và giới thiệu hình ảnh du lịch của tỉnh./.