Theo các nhà bảo tồn, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong những năm gần đây đa dạng sinh học (ĐDSH) của nước ta tiếp tục suy giảm về số lượng và suy thoái về chất lượng với tốc độ cao.
Theo Báo cáo Quốc gia về Đa dạng Sinh học năm 2011 được công bố ngày 30/10/2012, Việt Nam là nơi sống của khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; khoảng 10.500 loài động vật trên cạn gồm khoảng 1000 loài động vật không xương sống ở đất, 7700 loài côn trùng, gần 500 loài bò sát-ếch nhái, 850 loài chim và 312 loài thú, trên 1000 loài động vật không xương sống, khoảng 1000 loài cá ở nước ngọt; dưới biển có trên 7000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng ở Việt Nam, số loài sinh vật đã biết trên đây thấp hơn nhiều so với số loài đang sống trong thiên nhiên, chắc chắn còn nhiều loài sinh vật hoang dã khác chưa được biết tới.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những năm gần đây đa ĐDSH của nước ta tiếp tục suy giảm về số lượng và suy thoái về chất lượng với tốc độ cao. Cũng phải kể đến sự gia tăng dân số, nền kinh tế tăng trưởng nhanh của nước ta một mặt đã đem lại nhiều lợi thế cho quá trình phát triển đất nước nhưng mặt khác cũng tạo ra áp lực lớn lên ĐDSH.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học, ý thức về bảo tồn ĐDSH và nhận thức được giá trị thực sự của ĐDSH trong xã hội còn hạn chế, kể cả đối với các cấp hoạch định chính sách; cùng với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao, đặc biệt trong mở rộng giao thông, xây dựng các công trình thủy điện, khai khoáng, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các sinh cảnh tự nhiên, phá huỷ môi trường sống của nhiều loài, gây ô nhiễm và suy thoái chất lượng của các hệ sinh thái. Nạn khai thác trái phép và quá mức tài nguyên sinh vật, đặc biệt là các loài hoang dã phục vụ nhu cầu sinh sống, vui chơi giải trí hoặc thương mại cùng thói quen trong ẩm thực đã đẩy nhiều loài động vật của nước đến bờ vực của tuyệt chủng trong tự nhiên, và gây sức ép nghiêm trọng lên các quần thể khác.
Theo nhận định của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động Vật học Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, nhiều loài động vật quý hiếm của Việt Nam bị đe dọa tuyệt chủng như hổ, sao la, bò tót, hươu xạ, vượn đen tuyền Đông Bắc, vượn cao vít. Giai đoạn 2005 – 2010, Việt Nam có khoảng 80 – 100 cá thể voi hoang dã nhưng nay chỉ còn khoảng hơn 50 con. Voi nhà cũng suy giảm do điều kiện nuôi không đảm bảo nên không thể sinh sản được, bệnh tật chết hoặc dân bán.
Về số lượng loài quý hiếm khác ở Việt Nam, hiện hổ còn khoảng 30 – 40 con; sao la dưới 200 con, giảm 50 cá thể so với năm năm trước; bò tót 300 – 350 con; hươu xạ dưới 100 con, v.v…Cùng với đó là nạn phá rừng khiến nơi ở của voi bị thu hẹp, vì vậy voi vào phá nhà dân hoặc đi sang Lào và Campuchia.
Bổ sung vào danh sách những loài bị đe dọa tuyệt chủng, ông Trần Việt Hưng, Giám đốc Truyền thông Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, còn bi quan hơn khi cho rằng hầu hết các loài động vật hoang dã (ĐVHD) khác ở Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là các loài hổ, voi, gấu, vọoc, vượn, voi, rắn hổ mang chúa, rùa hộp ba vạch, các loài rùa biển, bò tót, báo.
Nguyên nhân dẫn đến nhiều loài động vật quý hiếm của Việt Nam suy giảm, theo ông Huỳnh, cũng cần phải kể đến nguyên nhân khác như việc giám sát ĐVHD còn lỏng lẻo, luật pháp chưa nghiêm, lực lượng kiểm lâm mỏng dẫn đến tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD vẫn diễn ra.
Ba nguyên nhân mà ông Hưng đưa ra là nhận thức và hành động của nhân dân chưa cao, đặc biệt là thói quen tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD; việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng chưa thực sự nghiêm minh, có tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm; và hệ thống các văn bản pháp quy về bảo vệ ĐVHD còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và nhiều kẽ hở.
Báo cáo định hướng trong năm năm tới
Báo cáo Quốc gia về Đa dạng sinh học năm 2011 gồm bốn chương tổng quan về hiện trạng đa dạng sinh học; những nguyên nhân cơ bản làm suy giảm đa dạng sinh học; hệ thống thể chế, chính sách và nguồn lực cho bảo tồn đa dạng sinh học; xu hướng biến động của đa dạng sinh học và định hướng trong năm năm tới.
Theo TS Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học - Tổng cục Môi trường, báo cáo này được xây dựng trên nền tảng các thông tin, tư liệu do các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ có uy tín tại Việt Nam cung cấp, với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học chuyên ngành hàng đầu của Việt Nam về đa dạng sinh học.
Với những thông tin có độ tin cậy cao, báo cáo sẽ là cuốn cẩm nang hỗ trợ các cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình bảo tồn ĐDSH sẽ tích hợp với các vấn đề bảo vệ môi trường khác và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, đồng thời là tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và phục vụ cộng đồng.
Trong buổi công bố báo cáo Quốc gia về Đa dạng Sinh học năm 2011, Bộ Tài nguyên&Môi trường cũng đã tổ chức hội thảo góp ý vào dự thảo Chiến lược Quốc gia về Đa dạng Sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến sau khi tiếp thu những ý kiến đóng góp, Bộ Tài nguyên&Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý I năm 2013.
Dự thảo Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH trên cơ sở phân tích những mục tiêu, chỉ số, giải pháp liên quan đến ĐDSH của các chiến lược ngành kinh tế-xã hội, như nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, v.v…, nhằm đảm bảo tính kế thừa, nhất quán và phù hợp với thời kỳ mới, đồng thời thực hiện cam kết đối với Công ước ĐDSH mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu cho rằng việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về Đa dạng Sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là rất cần thiết, bởi nó là bộ phận không tách rời khỏi Chiến lược Quốc gia về Phát triển Kinh tế - Xã hội, nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, tạo cơ sở cho phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh xã hội, kinh tế và môi trường liên tục biến động như hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, Việt Nam đã có một khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong gần 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã phê duyệt và triển khai hai kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH. Đó là kế hoạch hành động bảo vệ ĐDSH năm 2007 (QĐ phê duyệt số 845/1997/TTg ngày 22/12/1997) và kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước ĐDSH và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (QĐ phê duyệt số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/5/2007).
Đáng chú ý Luật Đa dạng Sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008 đã mở ra một bước ngoặc đối với công tác này, tạo cơ sở pháp lý để các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích.
Thứ trưởng Tuyến khẳng định Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhằm thực hiện cam kết thực hiện các mục tiêu chiến lược về đa dạng sinh học của toàn cầu đến năm 2020, bao gồm 20 mục tiêu đã được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng Sinh học lần thứ 10 tại Nagoya, Nhật Bản, năm 2010 trong đó việc thực hiện các Chiến lược Quốc gia về Đa dạng Sinh học và lồng ghép nội dung đa dạng sinh học trong các ngành, lĩnh vực hết sức quan trọng để thực hiện các mục tiêu chung của thế giới.