Đắk Lắk: Cần sớm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử

Cập nhật: 15/11/2012
Theo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, phần lớn các khu di tích văn hoá, lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn ngày càng xuống cấp nghiêm trọng do không có người quản lý, bảo vệ, thiếu vốn đầu tư tu bổ...

Điển hình là hồ Lắk, nằm trên địa bàn thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất ở Việt Nam (sau hồ Ba Bể), với diện tích trên 500 ha và đã được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Thế nhưng, hồ Lắk đang bị người dân sinh sống chung quanh hồ xâm hại, gây ô nhiễm nặng. Chỉ riêng đoạn từ buôn Lê đến cổng chào khu du lịch văn hoá buôn Jun, đồng bào đã biến ven hồ thành “bãi rác” công cộng, đổ trực tiếp các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, như vỏ, cùi ngô, rơm rạ, chất thải trâu bò...xuống hồ, làm cho màu nước không còn xanh trong như trước nữa.

Tháp Yang Prông, nằm trên địa bàn thôn 5, xã Ea Rốc (huyện Ea Súp) được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 13, thời kỳ phát triển thịnh vượng của người Chăm trên Tây Nguyên. Đây cũng là ngọn Tháp của người Chăm xây dựng duy nhất ở Tây Nguyên. Năm 1991, Tháp Yang Prông đã được công nhận là di tích kiến trúc cấp quốc gia. Thế nhưng, trong nhiều năm, Tháp Yang Prông cũng không được ngành chức năng phân công người quản lý, bảo vệ nên Tháp ngày càng hư hỏng, xuống cấp. Mặt khác, tại di tích này, người dân lập các bàn thờ dày đặc, tổ chức cúng bái truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan.

Từ thực trạng trên, tỉnh Đắk Lắk cần sớm đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như có các giải pháp quản lý, bảo vệ tốt 15 di tích cấp quốc gia nhằm phục vụ tốt yêu cầu phát triển du lịch trên địa bàn ổn định và bền vững./.

 

Nguồn: Website ĐCSVN