Du lịch miền Tây: “Dở khóc, dở cười” vì… nhà vệ sinh

Cập nhật: 19/11/2012
Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, môi trường du lịch thân thiện, người dân địa phương hiếu khách…, du lịch miền Tây đang phát huy tiềm năng, lợi thế trong việc thu hút đông du khách ghé thăm. Tuy nhiên câu chuyện “dở khóc dở cười” xoay quanh những chiếc nhà vệ sinh (NVS) nơi đây đã và đang làm “mất điểm” ngành du lịch.

Người dân “vô tư” tắm gội lộ thiên trước cái nhìn của khách quốc tế

Theo các hướng dẫn viên (HDV) chuyên dắt khách tham quan các tỉnh miền Tây cho biết, khi đưa đoàn đi các cù lao thăm vườn cây ăn trái, đi chợ nổi… nhiều lần du khách lẫn HDV đã phải “chuyển tầm nhìn” khi bắt gặp những hình ảnh “tế nhị”: chiếc NVS “đặc trưng” (làm ven sông, kênh, rạch được lợp sơ sài bằng lá, tấm ni lông… chất thải xả trực tiếp xuống nguồn nước) của những hộ dân nằm nhan nhản bên đường.

Thậm chí có nhiều hộ gia đình ở các tỉnh miền Tây đủ điều kiện kinh tế để xây dựng NVS khang trang nhưng do quen nếp sinh hoạt vẫn sử dụng những chiếc NVS thế này.

Đó là chưa kể những hộ dân cư ngụ trên thuyền “vô tư” tắm gội lộ thiên hay phơi quần áo khắp nơi tạo nên những cảnh tượng không mấy thiện cảm đối với khách.

Bên cạnh đó, một thực trạng đang tồn tại ở các khu du lịch miền Tây là chỉ những hộ dân trực tiếp đón và phục vụ khách du lịch mới chú tâm xây dựng NVS, còn những hộ không đón khách (cư trú cùng địa phương) thì vẫn sử dụng những chiếc NVS tạm bợ như trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan của cả khu vực du lịch.

Mặt khác, chất lượng NVS tại các hộ gia đình chuyên đón và phục vụ du khách vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Cụ thể là trường hợp NVS được xây dựng khang trang với tường bê tông, ốp gạch đàng hoàng, nhưng thiếu phần đầu tư hệ thống xử lý chất thải khép kín, nhiều nơi để lộ đường ống dẫn nước xả thải trực tiếp ra con mương hay dòng kênh ngay cạnh, gây mất mỹ quan cũng như phản ánh nếp sống thiếu thân thiện với môi trường. Đồng thời, một số NVS khác lại rơi vào tình trạng xuống cấp hay không được thường xuyên lau dọn nên rất... mất vệ sinh, du khách sử dụng mà phải lấy tay bịt mũi vì những mùi khó chịu liên tục xông lên…

Đại diện các đơn vị lữ hành cho hay, khi tiến hành đưa khách tới một nhà vườn để họ ngủ lại, tham gia sinh hoạt tìm hiểu đời sống của người dân trong khu vực… thì yêu cầu hàng đầu mà các công ty du lịch đặt ra chính là khu vực NVS phải thật sạch sẽ, có hệ thống xử lý chất thải khép kín, đảm bảo mỹ quan với du khách... Bởi gia chủ có niềm nở cách mấy, món ăn có hấp dẫn cỡ nào mà khu vực NVS tồi tàn, dơ bẩn thì khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài sẽ “xanh mặt” và không dám lưu lại.

Ông Phan Cao Tùng, Phó giám đốc Bến Thành Tourist cho biết, một nguyên tắc của các HDV là khi đưa đoàn vào một địa điểm du lịch thì nơi đầu tiên họ kiểm tra chính là khu vực nhà NVS, nếu có “sơ suất” gì HDV sẽ nhắc nhở gia chủ xử lý ngay. Nhiều hãng lữ hàng cũng thường xuyên nhắc nhở phía đối tác phải luôn giữ khu vực NVS sạch sẽ nếu không muốn lần sau mất khách.

Về vấn đề những chiếc NSV “đặc trưng” miền Tây thì ông Tùng cho rằng do thói quen sinh hoạt đã tồn tại lâu đời của một số người dân nên khó mà bắt họ thay đổi trong một ngày, một bữa. Theo ông, các HDV là người hướng dẫn du khách tham quan, giới thiệu về đất nước con người thì không nên “lẩn tránh” hay dùng những từ ngữ “không hay” để giới thiệu về NVS miền Tây. Hãy tự tin giới thiệu và diễn giải một cách khách quan, cho khách du lịch hiểu đây là nét sinh hoạt đặc trưng lâu đời của người dân gắn với sông nước.

Qua đó, kết hợp giới thiệu lồng ghép về những nỗ lực của chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhằm xóa bỏ những kiểu NVS thế này, hướng cho du khách có cái nhìn thiện cảm là trong tương lai gần những chiếc NSV như trên sẽ không còn tồn tại. Chính sự khéo léo trong cách diễn đạt của HDV sẽ làm du khách có cái nhìn công tâm, không kì thị về nét sinh hoạt của người dân, để câu chuyện xoay quanh những chiếc NVS thế này không làm “mất điểm” ngành du lịch.

Trần Lâm

 

Nguồn: Báo Văn hóa