Hà Nội sẽ triển khai công tác xây dựng đề án, chuẩn bị đầu tư cho 14 làng nghề kết hợp với du lịch, đồng thời xây dựng và phát triển 6 làng nghề kết hợp với du lịch.
Đây là những mục tiêu đặt ra của Chương trình phát triển làng nghề kết hợp du lịch giai đoạn 2012-2015 mà UBND TP Hà Nội vừa ban hành.
Ngoài ra, những chỉ tiêu cụ thể khác của Chương trình đặt ra là góp phần đưa tỷ trọng sản xuất nghề, làng nghề của Thành phố đạt 8,4% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN của Thành phố đến năm 2015; Góp phần đưa doanh thu của ngành du lịch Hà Nội tăng bình quân từ 16-18%/năm; Phấn đấu đón từ 300.000 -500.000 lượt khách quốc tế và từ 2.000.000 – 3.000.000 lượt khách nội địa.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, Chương trình đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Lựa chọn một số làng có thế mạnh về du lịch và nghề đặc trưng của Hà Nội để phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch; Triển khai đầu tư xây dựng làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Tổ chức các tour, tuyến du lịch làng nghề gắn với tham quan các di tích lịch sử văn hoá; Đào tạo nguồn nhân lực; Xúc tiến du lịch; Hợp tác liên ngành, liên vùng.
UBND TP Hà Nội giao Sở Công thương là cơ quan thường trực, giúp UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, định kỳ báo cáo UBND Thành phố về tình hình triển khai thực hiện Chương trình. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các địa phương tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng cho người dân làng nghề những kiến thức cơ bản trong quá trình tiếp đón khách du lịch; Xây dựng và thực hiện các dự án phục hồi, tôn tạo, tu bổ, nâng cấp di tích lịch sử, công trình văn hoá có giá trị tại làng nghề,…
Hiện nay, Hà Nội có 1.270 làng có nghề được phân bổ trên cả 19 huyện, thị xã, chiếm gần 56% tổng số làng. Đây được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Phát triển làng nghề gắn với du lịch góp phần đáng kể vào việc phát triển phố nghề, làng nghề của Hà Nội và vùng phụ cận trên các mặt như: Tăng thu ngoại tệ và nâng cao thu nhập; Phát huy giá trị văn hoá làng nghề; Kích thích phát triển hạ tầng kỹ thuật thông qua hoạt động du lịch; Góp phần quảng bá, mở rộng thị trường, đa dạng hoá sản phẩm; Giải quyết viêc làm cho người dân địa phương… Tuy nhiên, đa phần du lịch làng nghề Hà Nội hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu sức hút đối với khách du lịch.
Việc ban hành Chương trình phát triển làng nghề kết hợp du lịch giai đoạn 2012-2015 hy vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch làng nghề, đồng thời góp phần phát triển loại hình du lịch giàu tiềm năng này./.
L. Minh