Đà Nẵng: Quản lý nhà vệ sinh công cộng

Cập nhật: 19/12/2012
Bên cạnh các nhà vệ sinh (NVS) công cộng cố định hiện có, từ giữa tháng 6/2012, thực hiện chủ trương của UBND thành phố về việc triển khai lắp đặt 30 NVS lưu động theo công nghệ mới RTM phục vụ nhu cầu du khách và người dân, đã có 25 NVS lưu động được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng lắp đặt và đưa vào sử dụng.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết tại các NVS lưu động mới lắp đặt như 2 bên cầu Sông Hàn, cây xăng Nguyễn Văn Linh, 2 bên bờ hồ Thạc Gián-đường Hàm Nghi, công viên Ông Ích Khiêm-Quang Trung, trạm bơm Xuân Diệu, đoạn Nguyễn Văn Linh-Trần Phú, Nguyễn Thế Lộc-Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ-Trần Hưng Đạo… đều được trang bị các thiết bị như chậu rửa mặt, bàn cầu bệt có nắp, xà phòng rửa tay, hộp đựng giấy vệ sinh, sọt đựng rác… Bên trong và bên ngoài các NVS được quét dọn và lau chùi sạch sẽ. Tại các NVS đều có công nhân trực từ 5 giờ - 21 giờ hằng ngày với mức thu phí 2.000 đồng/người/lượt sử dụng.

Trao đổi với chúng tôi, chị  Huỳnh Ngọc Hạnh, công nhân trực tại Công viên Ông Ích Khiêm-Quang Trung, cho biết: “Gần 4 tháng đảm nhận công việc trực NVS ở đây, chúng tôi đều lau dọn vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lượt đi. Vì vậy, nhiều người sau khi sử dụng khen NVS sạch sẽ và “đáng” để trả tiền”.

Việc đầu tư NVS lưu động tại một số vị trí có lượng du khách và người dân qua lại đông là cần thiết, song theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, do các NVS lưu động được lắp đặt tại các khu vực công cộng không có tường che bảo vệ, cửa ra vào làm bằng nhựa nên rất dễ xảy ra tình trạng mất trộm các thiết bị trong NVS, đồng thời có khả năng là nơi cho bọn tội phạm nghiện ngập làm vị trí tiêm chích, dẫn đến gây mất an toàn cho người vận hành cũng như người sử dụng. Không những thế, do không có chỗ che mưa, nắng nên công nhân trực NVS gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Đỡ, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, cho biết: “Vừa qua, công ty đã liên hệ được với hãng thuốc lá Caraven hỗ trợ 3 tủ bán thuốc lá tại 2 điểm ở chân cầu Sông Hàn và 1 điểm trên đường Nguyễn Văn Linh cho công nhân che nắng, che mưa. Còn những điểm khác, các công nhân vẫn tự xoay xở khi nắng mưa bất thường. Vì vậy, công ty cũng rất mong muốn thành phố hỗ trợ kinh phí để làm các vọng gác trực vận hành cho công nhân, đồng thời việc quản lý NVS cũng được chặt chẽ hơn”.

Ngoài ra, hiện lượng người sử dụng NVS còn rất ít, dẫn đến việc thu phí thấp, không đủ trang trải các chi phí quản lý, vận hành và sửa chữa thay thế thiết bị của các NVS. Hơn nữa, địa điểm lắp đặt một số NVS không thuận lợi, lại bị khuất nên nhiều người không thấy. Chị Dương Thị Mai, công nhân trực ở NVS trạm bơm đường Xuân Diệu, cho biết vì đây là đoạn đường cụt lại thưa vắng người nên lượng người ra vào hằng ngày rất ít, khoảng 3 - 5 người. Mà không phải ai sử dụng cũng trả tiền. Có người sau khi sử dụng trả 1-2 ngàn đồng, nhiều người lại thắc mắc “NVS công cộng mà còn thu tiền” và không trả tiền.

Để những NVS này hoạt động hiệu quả lâu dài, cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp, đồng thời công nhân trông coi NVS cần hướng dẫn và nhắc nhở người dân, du khách có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, góp phần làm cho hình ảnh Đà Nẵng đẹp hơn, thân thiện hơn.

Bài và ảnh: Thanh Tình

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng