Cần khai thác và bảo vệ Quan Sơn, Hương Sơn (Mỹ Đức - Hà Nội) như Cát Bà của Hải Phòng

Cập nhật: 09/01/2013
Nhận định này được các nhà khoa học đồng thuận, trong chuyến khảo sát tổng hợp vào những ngày đầu Xuân 2013 do VACNE, cùng Trung tâm Địa Môi trường & tổ chức Lãnh thổ tổ chức.

Nhiều người đã phải trầm trồ: đúng là “Hạ Long trên cạn của Thủ đô", khi ngồi trên du thuyền khảo sát hồ Quan Sơn và ngay sau đó như bị thôi miên trước cảnh quan Hương Sơn, khi ngược dòng suối Yến vào chùa Hương, của huyện Mỹ Đức cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60 km về hướng Nam - Tây Nam.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài “Quy hoạch Bảo tồn Đa dạng sinh học Hà Nội đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam chủ trì, nhằm khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên môi trường theo hướng bền vững. Một cán bộ thuỷ sản ở hồ Quan Sơn cho biết: hồ này rộng khoảng 850 ha, được hình thành từ những năm 1960 của thế kỷ trước, sau khi đắp con đê bao (dài 20 km) chạy dọc từ Thượng Lâm đến xã Hợp Tiến nhằm ngăn chặn nước lũ. Từ đó vùng này biến thành hồ chứa nước của ngành thuỷ lợi và nuôi trồng thủy sản theo mùa vụ.

Từ khi bị ngập nước, vùng Quan Sơn được quy hoạch trở thành khu du lịch sinh thái, với gần 3.000 ha thuộc địa phận bốn xã: Hợp Tiến, Tuy Lai, Hồng Sơn, Thượng Lâm và một phần nhỏ sang huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình. Hồ dài 16 km, rộng 2 km và ôm gần 100 ngọn núi đá vôi, tạo thành nhiều hòn đảo lớn nhỏ, như vịnh Hạ Long. Từ đó rừng cây ở những núi đá vôi vô tình được bảo vệ, tái sinh và phát triển xanh tốt.

Theo điều tra ban đầu, vùng núi đá vôi này còn nhiều loài cây quý hiếm, cây làm thuốc, cây đặc sản, cây phong cảnh. Ở đây, các nhà khoa học cũng phát hiện được nhiều loại chim, thú, bò sát sống hoang dã, mặc dù số lượng cá thể không nhiều. Xuồng máy của đoàn khảo sát cũng khuấy động, làm cho đàn vịt trời và chim le le về cư trú trên mặt hồ bay loạn xạ.

Cách Quan Sơn hoang sơ không xa, huyện Mỹ Đức còn có thắng cảnh Hương Sơn được coi là khu vực có động đẹp nhất trời Nam. Đây là một quần thể: núi đá vôi hùng vĩ, có sông suối, chùa chiền, hang động... rất đẹp. Và tại đây, các nhà khoa học đã bắt gặp rất nhiều loài sinh vật phong phú.

Đi thuyền dọc theo Suối Yến tới đền Trình, qua cầu Hội vào bến Thiên Trù chỉ khoảng 3 km, nhưng phải mất cả giờ đồng hồ, bởi vẻ đẹp như thực, như mơ ven suối và hai triền núi như hút hồn du khách, nhất là những người có máy ảnh. Dù họ là những cán bộ khảo sát, các nhà địa chất, địa lý hay sinh học.

Theo đánh giá của hầu hết các nhà khoa học trong đợt khảo sát này, đây là khu vực có thắng cảnh đẹp; có số lượng loài động thực vật khá phong phú và có khả năng phục hồi. Song, trước sức ép mạnh mẽ của đô thị hoá và phát triển kinh tế, hiện nay nhiều núi đá đang bị tàn phá và nhiều loài sinh vật đã bị tuyệt chủng.

Vì vậy, việc khoanh vùng bảo vệ Quan Sơn - Hương Sơn như một khu bảo tồn thiên nhiên liên hoàn, sẽ góp phần bảo tồn được một số loài sinh vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nếu quy hoạch này được thành phố quan tâm, không chỉ góp phần bảo tồn các hệ sinh thái độc đáo của vùng núi đá vôi đặc thù ở phía Nam của Hà Nội, mà còn tạo cơ hội rất tốt để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh trong tương lai./.

Nguồn: VACNE