6,8 triệu lượt khách quốc tế và 160.000 tỷ đồng cho du lịch trong năm 2012 là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung. Tuy nhiên những gì du khách chưa hài lòng phần lớn lại nằm ở yếu tố con người - đó chính là ứng xử văn hóa.
Chèo kéo, xô đẩy, tranh giành khách là những hình ảnh thường thấy tại nhiều điểm du lịch Việt Nam. Du khách thường xuyên bị bủa vây bởi một đội quân đủ mọi thể loại từ ăn xin, móc túi, bán hàng rong cho tới đánh giầy, bán lưu niệm. Bất kể giờ giấc, có nhu cầu hay không, khách vẫn bị “ đè” ra để phục vụ.
Sự tăng trưởng khá ổn định của du lịch Việt Nam trong suốt 3 năm qua có thể coi là điểm sáng đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trong một báo cáo đánh giá cạnh tranh về du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện thì Việt Nam có thế mạnh về văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực tuy nhiên lại bị đánh giá thấp về môi trường và cơ sở hạ tầng, dịch vụ.
Theo những số liệu khảo sát gần đây, trong suốt 5 năm qua, luôn có khoảng 80-85% số du khách nước ngoài được hỏi không muốn quay lại Việt Nam. Một phần do họ cảm thấy nhàm chán với những sản phẩm du lịch trùng lặp, tuy nhiên phần lớn là do những vấn nạn như: ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo khách, chèn ép, tự ý nâng giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và an toàn trong các điểm du lịch. Và cũng chưa bao giờ du khách được nghe nhiều đến cụm từ văn hóa du lịch.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11-2012 ước đạt gần 656.000 lượt khách, tăng 24,4 % so với tháng 10-2012 và tăng 7,2 % so với cùng kỳ năm 2011. Tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng vượt 6 triệu lượt, ước đạt gần 6.036.000 lượt khách, tăng 14,4 % so với cùng kỳ năm 2011, đạt 93% mục tiêu đón khách quốc tế của năm 2012. Rất nhiều du khách lẫn các nhà tổ chức lữ hành quốc tế đến Việt Nam đều phải thán phục trước những cảnh đẹp, nhưng cũng chỉ có 15% trong số đó quay lại lần thứ 2.
Công ty Viettravel cho biết, trung bình mỗi tháng họ có từ 5-7 khách Nhật Bản bị móc túi hoặc bị cướp giật đồ. Giao thông, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh của khách quốc tế khi đến với Việt Nam. Chưa bao giờ người ta nhắc nhiều đến cụm từ văn hóa du lịch đến vậy. Vẻ đẹp thiên nhiên, di sản, sự phong phú của ẩm thực có thể hấp dẫn du khách tới Việt Nam khám phá. Nhưng liệu vẻ đẹp ấy có thực sự bất tận khi chỉ có 15% số du khách nước ngoài muốn quay lại Việt Nam lần hai.
Bên cạnh đó thì nạn chặt chém cũng là một hiện trạng đáng báo động của du lịch Việt Nam, thậm chí có những vụ khiến ai nghe thấy cũng phải giật mình, như vụ gánh hàng rong chém khách 1 triệu đồng cho 4 miếng dứa cộng với công chụp ảnh ở Hồ Gươm.
Khách du lịch bị chặt chém 50.000 cho một lần chụp ảnh (ảnh internet)
Mới đây, tờ TTR Weekly của Thái Lan đã đăng tải một bài viết có tiêu đề "Những bàn tay tàng hình ở phố cổ Hà Nội", phản ánh tình trạng du khách quốc tế bị "đội quân" hàng rong móc túi tại đây.
Theo bài báo, do rào cản ngôn ngữ và sự tin tưởng từ khách du lịch, nhiều du khách nước ngoài đã bị những người bán hàng rong "khôn ngoan" lừa những khoản tiền lớn bằng rất nhiều cách thức khác nhau. Trong khi đó, những tên trộm lợi dụng sự đông đúc của các đường phố để hoành hành. Những hiện tượng này làm tổn hại đến danh tiếng của du lịch Hà Nội trong con mắt quốc tế, khiến chính quyền thành phố Hà Nội phải đưa ra những giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn. Bài báo cũng nêu ra các mánh lới phổ biến của những người bán hàng rong ở phố cổ để du khách nước ngoài cảnh giác khi đến Hà Nội.
Theo ông Ian-Lyne, Trưởng nhóm tư vẫn chương trình năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội EU: “Cần phải có một dự án giáo dục cộng đồng, giáo dục cho những người bán hàng rong và người làm dịch vụ nhỏ để biết du lịch là gì, khách du lịch cần gì và quan trọng là giáo dục cho họ ý thức tự hào về đất nước và thành phố họ đang sống. Điều này phải làm tại tất cả các địa phương của Việt Nam”.
Cần phải có một dự án giáo dục cộng đồng, giáo dục cho những người bán hàng rong và người làm dịch vụ nhỏ
Đành rằng những người bán hàng rong hay làm dịch vụ du lịch nhỏ chủ yếu đến từ các vùng quê và có cuộc sống vô cùng khó khăn. Tất cả cũng chỉ vì mưu sinh. Tuy nhiên nếu cứ để tỉnh trạng như trên tiếp diễn thì hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ đi đến đâu khi khách du lịch tiếp tục là nạn nhân của sự chèo kéo và chặt chém, thậm chí là móc túi.
Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chuẩn bị các biện pháp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, triển khai ký kết giữa các doanh nghiệp cam kết không vi phạm để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, có các hình thức phổ biến thông tin quảng bá, khuyến khích các cơ sở có chất lượng dịch vụ tốt. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm bắt diễn biến thực tiễn các hoạt động dịch vụ du lịch tại một số trung tâm du lịch thường xảy ra các vụ việc như tại Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các vụ việc.
Nhiều địa phương đã ban hành quyết định bình ổn giá, khung giá, giao Sở Tài chính cùng các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra trước, trong và sau đợt cao điểm, yêu cầu các cơ sở lưu trú trên địa bàn không được tăng giá quá 50% so với mức giá ngày thường, có cam kết bình ổn giá và nâng cao chất lượng dịch vụ. Một số địa phương đã thành lập đường dây nóng để các tổ chức, công dân và khách du lịch phản ánh kịp thời những sai phạm về giá, chất lượng dịch vụ để các cơ quan quản lý có biện pháp xử lý kịp thời.