Phát triển bền vững đang là thách thức cho mọi quốc gia, trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Việc lựa chọn con đường, biện pháp, thể chế, chính sách phát triển bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia trong quá trình phát triển.
Do vậy, thời gian qua, bên cạnh việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ngành Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng còn quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.
Qua một năm thực hiện nhiệm vụ với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản cả nước đóng băng kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động, đóng góp của ngành cho sự phát triển chung của thành phố. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp có hiệu quả giữa các Sở, ban, ngành, các cấp của thành phố và chính bằng sự nỗ lực của Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức; ngành tài nguyên và môi trường thành phố đã không ngại khó khăn, thách thức, ra sức phấn đấu và đạt được nhiều thành tích quan trọng trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.
Ngay từ đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch triển khai và đã hoàn thành 03 nhiệm vụ trọng tâm được UBND thành phố giao tại Quyết định số 979/QĐ-UBND ngày 06 tháng 02 năm 2012, cụ thể:
Triển khai thực hiện hoàn thành Đề án “Thí điểm kiện toàn Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường” với phạm vi thí điểm trên toàn TP. Đà Nẵng. Tham mưu UBND thành phố ban hành quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và đăng ký biến động sau khi cấp giấy chứng nhận trên địa bàn Đà Nẵng; phối hợp với Cục Thuế thành phố ban hành quy chế phối hợp liên ngành; xây dựng Quy chế hoạt động tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại Văn phòng Đăng ký một cấp và xây dựng Đề án vị trí việc làm làm cơ sở sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp, theo hướng chuyên môn hoá.
Trong thời gian 05 tháng hoạt động, Văn phòng Đăng ký một cấp đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường cấp mới, cấp đổi, cấp lại tổng cộng 10.918 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đã giải quyết hơn 20.000 thủ tục đăng ký biến động do chuyển quyền sử dụng đất, đăng ký, xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và các biến động khác sau khi cấp giấy chứng nhận, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, công dân trên địa bàn thành phố.
Xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và khu du lịch. KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng: Sở đã triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp quản lý và kỹ thuật. Đến nay tải lượng và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải đổ về Trạm xử lý nước thải tập trung luôn giữ mức ổn định, lưu lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 2.600 m3/ngày đêm. Sau khi cải tạo một số hạng mục của công trình xử lý, trạm XLNT tập trung đã đi vào vận hành ổn định, hiệu suất xử lý đạt 93 - 95%, chất lượng nước thải sau xử lý cơ bản đạt yêu cầu, mùi hôi đã giảm thiểu đáng kể.
Âu thuyền Thọ Quang đã hoàn thành nạo vét tại các khu vực ô nhiễm với khối lượng bùn nạo vét 28.540 m3. Đồng thời, đầu tư xây dựng trạm bơm điều hòa Âu thuyền Thọ Quang, hiện đang hoạt động thử nghiệm, kết hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại Âu thuyền, xây dựng Quy chế quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để quản lý việc xả nước thải trên tàu vào khu vực Âu thuyền.
Xây dựng và triển khai Đề án thu gom rác thải theo giờ nhằm hạn chế trên 50% số lượng các thùng rác đặt trên các đường phố khu vực nội thị và hạn chế tối đa trên 80% việc đặt thùng rác trên các đường phố chính. Trên cơ sở đó, Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố triển khai thực hiện thu gom rác theo giờ giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 01/5/2012. Đến nay đã triển khai được 24/24 tuyến đường, 01 khu dân cư (KDC số 3) theo yêu cầu tại giai đoạn 1 của Đề án và tuyến đường Hoàng Diệu (bổ sung) thuộc các quận: Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hải Châu. Việc triển khai Đề án đã khuyến khích người dân đổ rác đúng giờ, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và được sự đồng thuận cao của người dân, giảm thời gian xuất hiện của khoảng 1.000 thùng rác trên đường phố.
Trong năm mới 2013, ngành Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng tiếp tục rà soát những khu vực ưu tiên trên địa bàn thành phố, đề xuất UBND thành phố cấp kinh phí để xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện, phường, xã tiến hành rà soát đến từng thửa đất, từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Thực hiện thành công Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp theo mô hình dữ liệu tập trung, kết nối được dữ liệu giữa Văn phòng đăng ký một cấp với các Chi nhánh trực thuộc.
Triển khai thực hiện tốt Đề án “Thu gom rác thải theo giờ” nhằm hạn chế thời gian đặt thùng rác trên các tuyến đường phố chính trong khu vực nội thị.
Ứng dụng kết quả Đề án “Điều tra, đánh giá nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, cạn kiệt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” vào công tác quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố.
Ngành nỗ lưc phấn đấu nâng cao trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường, mà nổi bật là hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải, để góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong lộ trình “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” vào năm 2020.