Trước đó, một số nghiên cứu ước tính trên Trái Đất có khoảng 100 triệu loài sinh vật, và chúng tuyệt chủng với tỷ lệ 5% một thập kỷ, tức là rất nhiều loài trong số này sẽ biến mất trước khi các nhà khoa học có cơ hội phát hiện ra.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science (Khoa học) số ra ngày 25/1, các nhà khoa học của Australia, New Zealand và Anh đã chỉ ra rằng con số ước tính kể trên là quá nhiều.
Theo các nhà khoa học này, dựa vào số lượng khoảng 1,5 triệu loài động, thực vật đã được ghi nhận và thống kê, có thể thấy tổng số loài sinh vật đang tồn tại trên Trái Đất sẽ gần với con số 5 triệu, hơn là 100 triệu loài như suy đoán trước đây.
Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ tuyệt chủng chỉ ở mức gần 1% một thập kỷ, bằng một phần năm so với ước tính trước đó.
Nhà khoa học Mark Costello đến từ Đại học Auckland, đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết phát hiện mới này là "tin tốt" đối với hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.
Công trình nghiên cứu lần này cũng củng cố thêm hy vọng giới khoa học có thể xác định được tất cả các loài trên Trái Đất trong vòng 50 năm tới, nhất là khi số lượng các nhà phân loại học, tức là các nhà khoa học chuyên mô tả những loài mới, tăng nhanh.
Ngoài ra, việc đặt tên cho các loài mới nhằm công nhận sự tồn tại của chúng, cũng khiến cho hoạt động bảo tồn trở nên dễ dàng hơn.
Công trình nghiên cứu mới này cũng thừa nhận rằng Trái Đất đang ở giữa "giai đoạn sinh vật tuyệt chủng hàng loạt do con người gây ra," nhưng cũng đưa được nhiều kết luận lạc quan hơn về vấn đề đa dạng sinh học, so với những nghiên cứu khác.
Năm 2011, Viện Hàn lâm khoa học California công bố báo cáo cho rằng: "Bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ để chứng minh bằng tài liệu về sự sống trên Trái Đất, các nhà khoa học tin rằng khoảng 90% các loài sinh vật trên khắp Trái Đất vẫn cần được phát hiện."
Theo báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học California, do phái đối mặt với tình trạng thoái hóa và mất dần môi trường sinh sống, nhiều loài sinh vật sẽ biến mất trước khi con người biết tới sự tồn tại của chúng./.