Nhiều làng nghề, nhiều sản phẩm, nhiều thợ giỏi, lại là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch... của cả nước, nhưng Hà Nội cũng có cái khó là diện tích đất dành cho làng nghề không nhiều, nguồn nguyên liệu bị hạn chế.
Vậy, để phát triển làng nghề trong những năm tiếp theo, Hà Nội chọn cách đi nào? Trước thềm Xuân Quý Tỵ, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, Trưởng ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đã dành cho báo Kinh tế & Đô thị cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này.
Thưa Phó Chủ tịch, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Vậy trong những năm qua, làng nghề Hà Nội đã đóng góp như thế nào vào cơ cấu kinh tế của TP?
Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt: Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 281 làng nghề đã được UBND TP công nhận theo tiêu chí mới. Năm 2012, giá trị sản xuất của làng nghề đạt khoảng 10.582 tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của TP.
Ngoài những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của TP, việc phát triển làng nghề kết hợp với du lịch còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống như: gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm); dệt lụa Vạn Phúc, dệt the La Khê (Hà Đông); mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ); điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức), nhạc cụ Đào Xá (Ứng Hòa)…
- Theo Phó Chủ tịch, làng nghề Hà Nội hiện nay có những thế mạnh và điểm yếu gì?
Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt: Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, đồng thời cũng là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội có bề dày lịch sử, chứa đựng nhiều đặc trưng văn hoá Việt, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích, có nhiều loại hình du lịch trong đó có du lịch gắn với làng nghề đang được đẩy mạnh và phát triển. Đây là nguồn lực và lợi thế cho việc phát triển các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống lâu đời, có các nhóm sản phẩm đa dạng, phong phú, mang tính đặc thù như gốm sứ Bát Tràng; dát vàng bạc Kiêu Kỵ, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã...
Làng nghề Hà Nội còn có thế mạnh là đội ngũ hàng ngàn thợ giỏi, 135 nghệ nhân, nhiều nhất cả nước. Bên cạnh đó, số lượng lớn các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Mỹ thuật Hà Nội... cũng đóng góp tích cực vào phát triển các mẫu mã sản phẩm mới. Các hoạt động hỗ trợ phát triển làng nghề Hà Nội thời gian qua tương đối đa dạng, có hiệu quả.
Tuy nhiên, làng nghề Hà Nội cũng còn những mặt hạn chế. Đó là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, trình độ công nghệ lạc hậu, chưa tận dụng tốt khả năng gắn kết với du lịch, chưa có sự phối hợp chặt chẽ và quan tâm đúng mức của nhiều ngành, nhiều cấp, nhất là việc phát triển hạ tầng trong các làng nghề và ngoài phạm vi làng nghề. Vai trò của các hội, hiệp hội chưa cao, còn thiếu sự liên doanh liên kết giữa các làng nghề để tạo ra sức cạnh tranh.
Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cho khu vực sản xuất làng nghề còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng trở nên trầm trọng.
- Theo quy hoạch phát triển nghề và làng nghề mà UBND TP đã phê duyệt, từ nay đến năm 2020 và xa hơn là đến năm 2030, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển các nghề và làng nghề có giá trị truyền thống văn hóa gắn với du lịch. Vậy để thực hiện được điều đó, Hà Nội phải làm như thế nào?
Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt: Thế mạnh của làng nghề Hà Nội là gắn với du lịch. Vì thế, trong định hướng phát triển nghề và làng nghề, TP xác định sẽ lựa chọn một số làng nghề truyền thống có khả năng kết nối để đầu tư phát triển thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch. Sau đó, trên cơ sở nghiên cứu tiềm năng, điều kiện và khả năng của các làng nghề, TP sẽ xây dựng dự án đầu tư riêng cho từng làng, trong đó ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí cho du khách.
TP khuyến khích duy trì phát triển làng nghề theo hướng giữ gìn nét độc đáo, bản sắc văn hóa riêng, tránh phá vỡ cảnh quan hay làm mất những giá trị văn hoá làng quê Việt Nam. Các tuyến du lịch làng nghề cũng sẽ được xây dựng gắn với các điểm di tích lịch sử văn hoá, các khu du lịch sinh thái… nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả thế mạnh của từng vùng.
- Yếu tố quan trọng để các làng nghề phát triển là mặt bằng sản xuất, nhưng đối với Hà Nội, việc mở rộng diện tích cho các làng nghề là rất khó khăn, điều này có dễ khắc phục, thưa ông?
Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt: Sau khi hợp nhất địa giới hành chính TP Hà Nội, để giải quyết bài toán về mặt bằng sản xuất cho các làng nghề, Hà Nội đã triển khai xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) làng nghề để tạo mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất. Đến nay, trên địa bàn TP đã và đang triển khai xây dựng 59 cụm TTCN, trong đó 22 cụm đã được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định với diện tích 138,6ha. 29 cụm đang xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư với diện tích 336,2ha. 8 cụm khác đang chuẩn bị đầu tư với diện tích 68,7ha.
Bên cạnh đó, UBND TP đang triển khai xây dựng quy hoạch phát triển các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó dự kiến quy hoạch 152 cụm TTCN với diện tích hơn 1.491ha tại 19 huyện, thị xã.
- Hầu hết các làng nghề của Hà Nội là sản xuất thủ công truyền thống, chưa có phương án xử lý ô nhiễm môi trường. Vậy để làng nghề phát triển được theo quy hoạch, Hà Nội có biện pháp gì, thưa ông?
Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt: Ngày 2/1/2013, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
Trước đó, UBND TP cũng đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 27/01/2011, trong đó lựa chọn danh mục các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để lập dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường. Hiện, dự án xử lý ô nhiễm môi trường ở làng nghề chế biến nông sản xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai đã hoàn thành và đã phát huy hiệu quả, cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các cụm TTCN để di dời các cơ sở sản xuất làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường ra nơi sản xuất tập trung để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm trong làng nghề.