Từ lâu, cây kơ nia đã đi vào văn, thơ, nhạc… đã trở thành một trong những biểu tượng về Tây Nguyên vì thế khi đến đây, khách phương xa thường hỏi: Ở gần đây có cây kơ nia không? Cây kơ nia thế nào?... Rồi họ đi xem bằng được, rồi chụp ảnh kỷ niệm.
Vì sao kơ nia lại “tốt số” như vậy? Điều trước tiên cần nói: Nó là loại cây tâm linh, cây thiêng.
Ma Té (người dân tộc Ê Đê) năm nay đã 72 tuổi, ở buôn Kô Sia, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột giải thích: “Từ nhỏ mình đã nghe ông bà dặn: Cây kơ nia là nhà của thần linh… Bởi kơ nia có tán lá đẹp, thường là hình trứng, hoặc hình nón, cành, lá xòe đều bốn phía, sum sê như cái tổ ấm, hoặc như cái mái nhà xanh rì, kín đáo. Kơ nia cũng là loại cây có thân rất chắc, khỏe, bộ rễ cọc cắm sâu vào lòng đất. Những năm lốc xoáy lớn, các loại cây khác gãy, đổ ngổn ngang, nhưng kơ nia thì vẫn đứng hiên ngang giữa trời như thách thức gió, bão, nắng, mưa. Vì thế thần linh, như thần rừng, thần đất, thần nước, thần sức khỏe, thần cai quản voi… đã chọn cây kơ nia làm nơi ở”.
Cũng vì vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khi phát nương làm rẫy thường không chặt cây kơ nia, không dám động chạm đến ngôi nhà của thần linh; đồng thời cây kơ nia cũng cho họ bóng mát để nghỉ ngơi khi làm rẫy. Đó cũng là lý do giải thích vì sao cây kơ nia thường đứng trơ trọi trên nương rẫy, bên bìa rừng; không phải như ai đó đã viết “cây kơ nia chỉ mọc đơn lẻ, không quần cư với cây khác”. Đến hồ Lắc, thấy cả vạt cây kơ nia, ta mới hiểu kơ nia mọc đơn lẻ chỉ là hiện tượng.
Vì sao Buôn Ma Thuột vắng bóng kơ nia?
Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc, từ thời Pháp thuộc đã được xem là thủ phủ của Tây Nguyên, đến nay vẫn vậy (Kết luận 60-Kl/TW ngày 27.11.2009 của Bộ Chính trị). Đây là vùng đất có nền văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhiều thắng cảnh nổi tiếng, vì vậy mỗi năm đã thu hút được trên 25 vạn khách du lịch, trong đó có khoảng 3 vạn khách nước ngoài.
Nhiều du khách khi vừa đặt chân đến Buôn Ma Thuột liền hỏi: Cây kơ nia ở đâu? Cho tôi xem cây kơ nia? Nhưng đáng tiếc trong khu vực nội thành Buôn Ma Thuột bây giờ đã rất hiếm cây kơ nia (chỉ còn duy nhất 1 cây ở phía sau Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Đắc Lắc); còn trên đường phố hoàn toàn vắng bóng. Có du khách đã đặt câu hỏi: Vì sao cây kơ nia - biểu tượng của Tây Nguyên - lại không được trồng trên đường phố Buôn Ma Thuột?
Câu hỏi của du khách cũng là một gợi ý hay. Thử tưởng tượng Buôn Ma Thuột có một đường phố giăng dài những hàng cây kơ nia, thân thẳng, cao vút, tán tròn xanh biếc, xòe ô trên đường phố… sẽ đẹp biết bao! Sẽ thỏa mãn được sự hiếu kỳ của biết bao du khách… Nhưng vì sao người ta lại không trồng kơ nia trên đường phố Buôn Ma Thuột?
Thực tế đã chứng minh…
Đã có lần chúng tôi viết bài đề nghị trồng cây kơ nia trên một vài đường phố, hoặc xung quanh quảng trường TP. Buôn Ma Thuột. Bài viết đã được nhiều người dân, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đang sống trên địa bàn TP đồng tình; nhưng có vị lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc lại cho rằng: Hạt cây kơ nia rất khó nảy mầm nên không có cây con để trồng; còn đi bốc cây lớn ở nơi khác về thì kơ nia không sống được, vì kơ nia là cây rễ cọc, ăn sâu vào lòng đất, khi bứng làm đứt rễ cọc cây sẽ chết. Mặt khác, khi cây kơ nia lớn, nó sẽ cho rất nhiều quả. Quả rụng sẽ làm bẩn đường phố…
Nhưng thực tế là việc ươm giống cây kơ nia hiện nay đã được nhiều người làm thành công. Ông Trương Bảy- kỹ sư nông nghiệp, cán bộ Trạm khuyến nông huyện Cư M’gar- là một ví dụ. Ông Bảy cho biết: Nếu ai đó cần cây giống kơ nia, cứ đến gặp tôi, ký hợp đồng, bảo đảm 6 tháng sau, sẽ có hàng trăm cây giống…
Theo ông Bảy, trong môi trường tự nhiên hiện nay hạt kơ nia rất khó nảy mầm, vì nó có lớp vỏ cứng bên ngoài, tiếp đến là lớp cutin bọc hạt rất chắc. Nếu cứ để cả hạt như thế ươm thì chẳng bao giờ bật mầm. Muốn kơ nia ra mầm phải chẻ lớp vỏ ngoài, đồng thời phải có cách ngâm ủ, xử lý bằng hóa chất. Đây là bí quyết của riêng ông…
Để chứng minh cho lời nói của mình, ông dẫn tôi đi xem một số cây kơ nia, do ông ươm hạt rồi đem trồng tại Nhà truyền thống của huyện Cư M’gar. Cây 3 năm tuổi, nhưng đã cao vút gần 4m, cành lá sum sê; nếu trồng trên đường phố thì chỉ cần 7- 8 năm sau cây đã có thể xòe ô che mát. Khi cây cho quả, rụng xuống, một phần sẽ được trẻ em nhặt đập vỡ lấy nhân ăn (nhân quả kơ nia ăn vị béo và thơm tương tự như hạt điều); phần còn lại sẽ được lực lượng vệ sinh môi trường quét dọn hằng ngày, nên không lo quả rụng làm bẩn đường phố...
Hy vọng từ thực tế này, trong thời gian không xa nữa “thủ phủ của Tây Nguyên” sẽ có những hàng cây kơ nia mọc lên cao vút, vừa góp phần làm đẹp thêm cho không gian của TP, vừa trở thành một “sản phẩm” đáp ứng được sự hiếu kỳ của du khách.