Văn hóa đi lễ hội: Cần thay đổi từ nhận thức

Cập nhật: 28/02/2013
Hai tuần vừa qua là khoảng thời gian người dân khắp cả nước nô nức đi dự lễ hội, đây là truyền thống có từ lâu của người dân Việt Nam. Bên cạnh những niềm vui, sự phấn trấn mà lễ hội mang lại thì vẫn còn đó nhiều bất cập, những hình ảnh xấu không đáng có nếu như nhận thức về văn hóa đi lễ hội được nâng cao hơn.


 

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội, trong đó chủ yếu là lễ hội dân gian với số lượng hơn 7.000. Các lễ hội này chủ yếu được tổ chức vào mùa xuân, đặc biệt dịp đầu năm mới thường là trước ngày Rằm tháng Giêng. Đây chính là khoảng thời gian mà người dân khắp các tỉnh thành nô nức đi trẩy hội, vừa là du xuân với những hoạt động mang nhiều ý nghĩa tâm linh của người Việt. Tất cả những lễ hội dù lớn hay nhỏ đều là những hoạt động văn hóa ý nghĩa nếu như không để xảy ra những biến tướng hay những hình ảnh phản cảm làm mất đi nét đẹp vốn có của lễ hội.

Chỉ cần điểm qua vài lễ hội lớn đã diễn ra từ đầu năm đến nay là Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Yên Tử, Hội Lim và mới đây là khai ấn đền Trần sẽ thấy rõ vô vàn những hình ảnh xấu làm mất đi phần nào tính văn hóa và ý nghĩa của các lễ hội.

Đầu tiên phải nói đến là Lễ hội chùa Hương, cũng như mọi năm lễ mở hội vào mùng 6 âm lịch tức ngày 15 tháng 2 dương lịch. Ngay trong ngày đầu tiên khai hội, Chùa Hương đã đón khoảng 150.000 lượt du khách.  Với số lượng lớn du khách khắp nơi cùng đổ về trong một ngày như vậy lễ hội chùa Hương năm nay lại tiếp tục xảy ra những bất cập đáng buồn. Trên dòng suối Yến thơ mộng, hơn 4.800 con đò dùng để chuyên trở khách được đánh số thứ tự để sẵn sàng cho nhiệm vụ của mình. Theo quy định của Ban tổ chức, vé thăm quan là danh thắng là 50.000đ/1 người và vé đi đò là 35.000đ/1 lượt, vậy nhưng do số lượng khách quá lơn gần 5.000 con đò cũng không đủ phục vụ vậy nên đã xảy ra hiện tượng khách phải trả cho chủ đò 100.000đ/1 người mới được đi. Bên cạnh đó, mặc dù Ban tổ chức quy định xả rác trên suối Yến sẽ bị phạt 300.000đ nhưng có thể dễ dàng nhận thấy trên dòng suối thơ mộng vẫn đầy rác.

Tại lễ hội Yên Tử năm nay, những hình ảnh xấu lại xuất hiện theo hình thức khác. Không biết từ bao giờ mà lời đồn đại về việc dùng tiền cọ và xoa vào chùa Đồng sẽ gặp được may mắn được lưu truyền trong dân gian. Chỉ biết rằng năm nay, người ta dẫm đạp lên nhau để cọ tiền vào chùa. Trên đỉnh phù vân, mênh mênh mang mang, không còn thấy sự tôn nghiêm, thành kính mà thay vào đó là cảnh xô đẩy, chen lấn, ai ai cũng muốn tận tay xoa tiền vào chùa. Đủ các loại tiền từ mệnh giá 500 đồng cho đến 100.000 đ, 500.000đ thậm chí cả ngoại tệ các loại được già trẻ, trai gái, nam nữ…xô nhau, chèo qua đầu nhau để cọ nhẵn bóng các cột chùa Đồng.

Không chỉ có vậy trên suốt hành trình từ suối giải oan lên đến đỉnh Phù Vân, cứ đâu có tượng phật, có ban thờ là người ta dải tiền, nhét cả tiền vào tay Phật, chân tượng Phật, khiến cho chốn linh thiêng mất đi vẻ trang nghiêm, thiền tịnh vốn có.

Hội Lim 2013, mặc dù được Ban tổ chức khẳng định nhiều về việc lễ hội năm nay sẽ không xảy ra những lộn xộn hay những hình ảnh phản cảm song du khách dễ dàng nhận thấy rằng những sự việc biến tướng vẫn tiếp tục xảy ra. Nếu như dư luận năm ngoài cảm thấy bức xúc vì hình ảnh các “liền anh, liền chị” ngửa nón xin tiền thì năm nay nay hình ảnh đó đã thực sự không còn. Thay vào đó là hình ảnh các “liền anh, liền chị” nhận tiền mặt thẳng từ tay du khách thập phương.

Lễ khai ấn đền Trần được tổ chức vào đêm này 14, rạng sáng ngày 15 âm lịch mới thực sự là một chiến trường hỗn loạn. Người ta giẫm đạp lên nhau, xô xát với nhau để giành ấn thiêng. Không những thế lực lượng an ninh hàng trăm người không cản nổi một cơn sóng người xô đổ hàng rào sắt, đu mình lên xà để vào trong đền vơ vét lộc thánh. Người ta đánh nhau, giành giặt thậm chí chửi bới văng tục để “cướp” lộc, “cướp” ấn. Một quanh cảnh mà nhìn vào không thấy đâu sự linh thiêng, cao quý vốn có của một lễ hội truyền thống tồn tại hàng nghìn năm, chỉ thấy một sự hỗn loạn, một cách thể hiện văn hóa và nhận thức vô cùng kém của những người đi trẩy hội.

Những bất cập xảy ra tại các lễ hội không phải là việc mới xảy ra mà nó đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhận biết rõ trách nhiệm cũng như chức năng định hướng của mình, ngành văn hóa đã có nhiều biện pháp nhằm chấm dứt các biến tượng xảy ra tại lễ hội. Đặc biệt trong mùa lễ hội 2013 này, Bộ VHTTDL đã rất cương quyết trong việc xử lý cũng như tiến hành mọi biện pháp nhằm xóa bỏ các hình ảnh không đẹp làm ảnh hưởng chung đến văn hóa lễ hội.

Cụ thể trong năm 2012, Bộ VHTTDL đã tiến hành kiểm tra 3.436 lượt tại các lễ hội, xử phạt vi phạm với tổng số tiền là 21.080.000 đồng. Riêng để phục vụ mùa lễ hội xuân Quý Tỵ, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 7 đoàn kiểm tra liên tục kiểm tra công tác tổ chức ở các lễ hội trước và sau Tết. Với chủ trương không bỏ qua một lễ hội trọng điểm nào, thanh tra Bộ đã có mặt ở khắp các tỉnh thành có lễ hội: Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định...

Ngày 21 tháng 2 dương lịch tức ngày 12 âm lịch, đích thân Bộ trường Hoàng Tuấn Anh đã về Ninh Bình để kiểm tra công tác tổ chức lễ hội của tỉnh. Tại đây, Bộ trưởng cùng đoàn công tác của Bộ đã tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại khu vực Cố đô Hoa Lư và chùa Bái Đính. Tại 2 khu vực này, đoàn công tác ghi nhận không có các hiện tượng tiêu cực như: mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, ăn xin, chèo kéo và ép giá khách du lịch...Tuy nhiên vẫn còn những việc như một số hộ dân xung quanh khu vực tường bao bên ngoài khu tâm linh núi chùa Bái Đính bắc thang cho du khách trèo qua tường vào chùa; khách hành hương giắt tiền vào tượng phật và trên bàn hành lễ tạo nên hình ảnh chưa đẹp.

Không chỉ có những đoàn kiểm tra tới trực tiếp các lễ hội mà lãnh đạo Bộ VHTTDL còn làm việc với lãnh đạo các tỉnh nơi trực tiếp tổ chức lễ hội để hướng dẫn cũng như đưa ra các định hướng cụ thể trong công tác tổ chức trước và sau lễ hội. Đặc biệt tại các tỉnh như Nam Định, Hà Tây, Quảng Ninh…các đoàn thanh tra Bộ không chỉ làm việc một lần mà còn trực tiếp làm việc với UBND tỉnh cũng như công an tỉnh để thắt chặt an ninh cũng như tránh những biến tướng xảy ra tại lễ hội.

Như vậy có thể thấy, việc những biến tướng, những hiện tượng xấu vẫn đang tiếp tục xảy ra tại các lễ hội không phải do lỗi riêng của ngành. Bộ VHTTDL với chức năng định hướng và quản lý chính sách chứ không thể trực tiếp quản lý hay điều hành các lễ hội. Việc quản lý và tổ chức các lễ hội là do các địa phương nơi có lễ hội đứng ra thực hiện. Bộ VHTTDL chỉ có thể phối hợp với địa phương trong việc đưa ra những định hướng về chính sách, thanh tra Bộ chỉ có thể đi kiểm tra công tác tổ chức chứ không thể có đủ lực lượng để trực tiếp quản lý tại tất cả các điểm lễ hội diễn ra trên cả nước. Cũng phải công bằng nhìn nhận, năm nay Ban tổ chức lễ hội tại các địa phương đều quán triệt rất rõ những chính sách cũng như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đặt ra nhằm xóa bỏ những bất cập tại các lễ hội. Song những sự việc xấu, những biến tướng vẫn còn xảy ra có thể thấy đa phần đều do nhận thức của người dân – những người đi trẩy hội và những người dân khu vực có lễ hội.

Nếu như không có những lời đồn thổi về việc cọ tiền vào thân chùa hoặc giả có những lời đồn thổi nhưng người dân ý thức được đầy đủ về văn hóa, lịch sử, tâm linh thì liệu có xảy ra tình trạng chen nhau lấy tiền mài bóng thân chùa? Nếu như ý thức những người đi trẩy hội được nâng cao thì liệu có xảy ra hiện tượng hàng nghìn con người đạp đổ cả cả hàng rào sát và xô ngã lực lượng bảo vệ để tràn vào “cướp lộc” đền? hay việc lên chùa cầu phúc thì cũng nên thành kính để tiền cúng vào hòm công đức chứ không nên vứt tiền bừa bãi, bạ đâu nhét vào đó dẫn đến hiện tượng tiền lẻ ngập đầy suối giản oan, vương vãi khắp nền chuông đồng hay giắt đầy vào chân, tay tượng Phật? Thêm nữa nếu như người dân các tỉnh có lễ hội không mang tâm lý tranh thủ kiếm tiền kiểu 1 năm chỉ có 1 lần lễ hội để “chặt chém ” du khách thì có không sự việc khách thăm quan phải trả lên tiền mới được lên đò bắt đầu hành trình vào miền đất Phật?

Tất cả những sự việc nêu trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến văn hóa, ý nghĩa to lớn của các lễ hội dân gian truyền thống mà ông cha ta đã mất hàng trăm năm đúc kết. Làm mất đi hình ảnh đẹp trong lòng du khách và bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Với chức năng  của mình Bộ VHTTDL và các cơ quan địa phương cũng chỉ đưa ra những định hướng, quản lý , hướng dẫn công tác tổ chức, kiểm tra các hoạt động lễ hộ, còn việc để xảy ra những hiện tượng như vậy phần nhiều do nhận thức còn yếu của những người tham gia. Để  thực sự có thể chấm dứt những hình ảnh xấu này không thể chỉ trông cậy vào Bộ hay các cơ quan chức năng địa phương, mà quan trọng nhất là ý thức người dân – những người tham gia lễ hội phải được nâng cao. Nếu như chỉ dựa vào các khung xử phạt hay khi nào có đoàn thành tra, có lực lượng an ninh thì các hoạt động mới được thực hiện nghiêm túc thì không thể chấm dứt tình trạng bất cập tại các lễ hội bởi lực lượng quản lý không thể nào nhiều so với số lượng lớn du khách. Như ông Phạm Xuân Phúc – Phó Thanh tra Bộ VHTTDL nói: “để giảm thiểu những tiêu cực trong lễ hội, ngoài việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân mới là cái gốc của vấn đề”.

Nguồn: Cinet