Nằm ở vị trí khá thuận lợi về mặt địa lý, chỉ cách thị xã Tây Ninh khoảng 35 km dọc theo quốc lộ 22B, cạnh quần thể di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nhưng việc phát huy các giá trị về du lịch của Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) vẫn khá “trầm lắng”. Một trong những nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông và các dịch vụ còn hạn chế.
* Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
VQG Lò Gò – Xa Mát rộng hơn 19.000 ha nằm cách TP.Hồ Chí Minh 135km, thuộc địa bàn 4 xã Tân Bình, Tân Lập, Hòa Hiệp, Thạnh Tây (huyện Tân Biên, Tây Ninh). Phía Tây VQG được bao bọc bởi dòng sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng với hệ sinh vật học phong phú, phía Bắc có Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát. Rõ ràng đây là những lợi thế rất lớn cho việc khai thác các giá trị của VQG, nhất là về du lịch.
Đây là khu vực có hệ động thực vật khá phong phú, đa dạng. Hiện nay, hệ thực vật tại VQG Lò Gò – Xa Mát có 696 loài, hệ động vật có 42 loài, trong đó có nhiều loài thú quan trọng, có giá trị cao. Tại các khu vực trảng, bưng, các vùng đất ngập nước du khách có thể ngắm nhiều loài cây, động vật quý hiếm như: cây nắp ấm (mới phát hiện lại trong tự nhiên sau hơn 100 năm), lan hoàng thảo, thủy nữ Campuchia, chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn, hồng hoàng, gà lôi hồng tía, cò nhạn… Cùng với đó là các con suối chạy xuyên rừng, các vùng nước ngập, đặc biệt là dòng sông Vàm Cỏ Đông chạy dọc phía Tây của rừng, thuận lợi cho du lịch đường sông, tạo không khí sông nước.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường (thuộc BQL VQG Lò Gò – Xa Mát) cho biết: Do đây là vùng chuyển tiếp ở vùng cao Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng chim đặc hữu ở miền Nam nên khá đa dạng về sinh học. Sự giao thoa vùng khiến hệ thực vật nơi đây rất đa dạng để du khách chiêm ngưỡng. Cùng với đó, các loài động vật trong những năm qua phát triển khá mạnh, tạo sự phong phú cho rừng. Đây là một lợi thế không phải nơi nào cũng có. Vì vậy đơn vị vừa đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn sinh thái vừa bảo tồn sinh thái để tạo lợi thế phát triển du lịch.
Ngoài giá trị tự nhiên, trong lòng rừng còn lưu giữ các di tích lịch sử quan trọng như Căn cứ Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng với các bia di tích cách mạng của Thông tấn xã Giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng, Hãng phim Giải phóng… Bên cạnh đó, VQG còn nằm trong một quần thể liên hoàn với Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Giải phóng miền Nam. Đây là những lợi thế để phát triển hình thức du lịch về nguồn.
Hiện VQG Lò Gò – Xa Mát đang phát triển hai loại hình du lịch chủ yếu là du lịch về nguồn và du lịch “phượt” cho du khách. Hình thức du lịch dã ngoại về nguồn chủ yếu dành cho học sinh, sinh viên và các cán bộ, cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, tận hưởng không khí thiên nhiên. Trong đó hình thức tổ chức du lịch “phượt” mang tính chất hoang dã, mạo hiểm thu hút được khá nhiều bạn trẻ. Du khách tổ chức thành nhóm để hưởng không khí sinh hoạt trong rừng, tổ chức du lịch trên sông, gắn với câu cá, mò chem chép…
* Khó khăn nhiều mặt
Dù có nhiều thuận lợi về tự nhiên, nhưng những khó khăn về hạ tầng giao thông, dịch vụ kém khiến cho những tiềm năng du lịch của VQG chưa “phất” lên được.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Ban Quản lý VQG Lò Gò – Xa Mát chia sẻ: Ở đây có sự đa dạng về thiên nhiên, nhưng muốn thu hút khách thì phải có những yếu tố khác như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hướng dẫn viên, sản phẩm du lịch phải phong phú, đa dạng. Du khách cần sự tiện nghi. Chỉ một số ít muốn ở trong rừng mắc võng, căng lều ngủ qua đêm nhưng nước sinh hoạt (như nước sạch) không đảm bảo.
Hiện ở khu vực gần VQG Lò Gò – Xa Mát hầu như không có cơ sở phục vụ khách du lịch (khu vực huyện Tân Biên). Phần lớn các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng chỉ ở dạng nhỏ lẻ, mang tính chất gia đình. Các sản phẩm, đồ lưu niệm cho du khách cũng không có. Nếu du khách muốn có các dịch vụ tốt phải quay ngược về thị xã Tây Ninh, rất bất tiện. Hiện tại, chỉ VQG đã xây dựng được khu nhà nghỉ 10 phòng để phục vụ du khách.
* Hướng tới đa dạng loại hình du lịch
Trong năm 2012, VQG Lò Gò – Xa Mát đón được 2.000 lượt du khách tham quan, đi du lịch sinh thái. Đây là con số khá khiêm tốn nếu so với các khu du lịch khác. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Xuân: “Con số đó là cả một nỗ lực vì du lịch sinh thái tương đối kén khách. Năm 2013 chúng tôi hướng đến mục tiêu đón 3.000 du khách. Hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tổ chức xây dựng các hạ tầng để phát triển du lịch tại VQG cũng như tăng cường quảng bá cho du lịch của địa phương”.
Theo chiến lược phát triển du lịch của BQL VQG Lò Gò – Xa Mát, thời gian tới sẽ đa dạng các hình thức du lịch để thu hút khách cũng như nhà đầu tư. Các hình thức du lịch sẽ mang tính chất thân thiện với môi trường như dùng xe bò, xe đạp, thuyền ba lá, đi bộ. Theo đó, các tuyến du lịch sinh thái chính sẽ là: Tuyến du lịch bằng xe đạp tham quan các điểm văn hóa di tích lịch sử; Tuyến du lịch thăm rừng dầu Trà Beng và trảng đất ngập nước Tà Nốt có thể quan sát thấy các loài hoa đẹp nổi tiếng của rừng; Tuyến du lịch bằng thuyền trên vùng ngập nước Tà Nốt; Tuyến tham quan Bàu Đưng có hoa bằng lăng tái sinh, hoa lan đất, đặc biệt là cây nắp ấm; Tuyến tham quan Bàu Điếc bằng xe bò, tìm hiểu đời sống sinh hoạt văn hóa, sản xuất của đồng bào Khmer…
Tuy nhiên, để thực hiện việc đa dạng loại hình du lịch cần phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Hiện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có dự án đầu tư để phát triển du lịch cho Tây Ninh. Trong đó, tỉnh phân bổ 70 tỉ đồng cho VQG Lò Gò – Xa Mát trong 3 năm tới để xây dựng tuyến đường xuyên rừng và trạm đón tiếp du khách. Trong khoảng 5 – 10 năm tới, VQG Lò Gò – Xa Mát sẽ tập trung hoàn thành cơ bản cơ sở hạ tầng như đường sá, các trạm dừng chân, trạm đón tiếp du khách, các biển báo, khu vệ sinh, đội ngũ hướng dẫn viên. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, trước mắt cần phải xây dựng các bến ghe, thuyền để phát triển du lịch đường sông, suối. Đồng thời xây các trạm quan sát chim để du khách thấy được những điều lý thú khi đến đây.