Mùa lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc 2013, xanh – sạch đẹp và an toàn

Cập nhật: 13/03/2013
(TITC) - Vào mỗi dịp đầu năm, khi không khí trong trẻo của mùa xuân đang dần hiển hiện trên những cành cây, ngọn cỏ, lữ khách lại muốn tìm về với cội nguồn, đến với những lễ hội truyền thống, những mảnh đất địa linh nhân kiệt in đậm dấu ấn của lịch sử để tìm sự bình yên, để cầu ước cho một năm mới an lành, để thưởng lãm danh lam thắng cảnh và tri ân những anh hùng của dân tộc.

Đền Kiếp Bạc

Điểm đến đầu tiên trong hành trình du xuân của đoàn chúng tôi là đền Kiếp Bạc - nơi gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo – 3 lần đánh tan quân Nguyên - Mông. Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, thành phố Hải Dương. Tên của đền được ghép từ tên hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Theo thời gian, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, cùng sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân địa phương, Đền được trùng tu, tôn tạo khang trang nhưng vẫn giữ nguyên được những nét cổ kính, linh thiêng thủa ban đầu.  

Mùa lễ hội năm nay, đến đây không có hiện tượng bầy bán hàng rong tràn lan hay rác thải bừa bãi ở khắp nơi. Du khách vào Đền, được người của Ban quản lý di tích hướng dẫn tận tình, chỉ nên thắp hương ngoài điện, không cúng các lễ vật mặn, đặt tiền lễ ở đúng vị trí quy định hoặc bỏ vào Hòm công đức… Dòng người ra vào lễ đền theo trật tự, không chen lấn, xô đẩy. 

Đường vào khu di tích Côn Sơn

Tiếp theo chuyến hành trình, đoàn chúng tôi dừng chân tại Côn Sơn - nơi Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hoá thế giới, Người anh hùng giải phóng dân tộc, từng sống từ khi mới năm tuổi, những năm cáo quan ở ẩn cho đến khi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên năm 1442. Qua lời của thuyết minh viên cùng những tư liệu, hình ảnh được Ban quản lý di tích bố trí hợp lý trên lối vào đền đã giúp cho mỗi du khách hiểu rõ hơn về những đóng góp lo lớn của Ông trong lịch sử dân tộc. Du khách tới đây không khỏi bùi ngùi, xót xa về cuộc đời một bậc đại nhân, đại nghĩa, đa tài. 

Nằm ẩn mình trên cánh rừng thông bạt ngàn của dãy núi Phượng Hoàng là khu đền thờ và lăng mộ thầy Chu Văn An (thuộc xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương) – một người thầy tiêu biểu cho tài cao đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Ông sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt như một biểu tượng đẹp về tấm lòng một người thầy giáo.  

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi du khách thập phương về Côn Sơn – Kiếp Bạc vãn cảnh và thắp hương năm nay đều cảm thấy hài lòng và ấn tượng về công tác quản lý cũng như việc giữ gìn môi trường ở đây. Điều đó chứng tỏ vai trò chỉ đạo của Bộ VHTTDL và sự cố gắng của địa phương, Ban quản lý khu di tích… trong công tác quản lý lễ hội.  

Trong khi một số báo, đài hàng ngày vẫn đưa những tin, bài về sự nhếch nhác, mất vệ sinh, mất an toàn… tại một số lễ hội, thì đối lập với đó, di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc trong mùa lễ hội 2013 đã đảm bảo được các tiêu chuẩn xanh, sạch đẹp và an toàn. Mong rằng, các khu di tích, đền, chùa khác trong cả nước cũng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trong vấn đề văn minh lễ hội như lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc này.

Giếng Ngọc ở Côn Sơn

Chùa Côn Sơn 

 

Đền thờ Nguyễn Trãi

Đền thờ Chu Văn An

Bài: Hương Lê, Ảnh: Đức Hùng