Đầu tháng 4 tới, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam sẽ hoàn thiện bộ ba đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đệ trình Bộ VHTTDL trên cơ sở ý kiến đóng góp từ các địa phương. Đề án quy hoạch này là bước tiến quan trọng trong việc định hình sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng vùng, tránh sự trùng lặp và đơn điệu hiện nay, cũng như thúc đẩy các liên kết du lịch vùng.
Mỗi vùng một sản phẩm du lịch biển đảo
Trong 7 vùng du lịch được quy hoạch có đến 4 vùng có sản phẩm du lịch biển đảo và đều mang tính trọng tâm, đó là: vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ. Song, quy hoạch đã làm nổi bật những đặc trưng, lợi thế riêng của mỗi sản phẩm với các hướng khai thác khác nhau, có khả năng cạnh tranh cao.
Vùng Đồng bằng sông Hồng sở hữu nhiều vịnh đẹp của Vịnh Bắc bộ, nổi bật là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và hệ thống các đảo đa dạng hàng đầu cả nước như đảo Cát Bà, các đảo nhỏ thuộc vịnh Lan Hạ, đảo Cô Tô, đảo Quan Lạn, đảo Cái Bầu… Với lợi thế này, sản phẩm được xác định cho vùng sẽ là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tham quan biển, du lịch thể thao mạo hiểm trên biển gắn liền với du lịch văn hóa – lịch sử - tâm linh.
1
Vùng Bắc Trung bộ sẽsử dụng du lịch biển đảo như một “gia vị” mặn của du lịch di sản (Ảnh: Biển Cửa Lò- Ngọc Thành)
Du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp cũng là hướng phát triển của vùng Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ với những hòn đảo hoang sơ, các bãi biển đẹp được xếp hạng quốc tế, và nguồn khách truyền thống ngày càng tăng. Nếu như thương hiệu của du lịch biển vùng Duyên hải Nam Trung bộ là các resort hạng sao dành cho những chuyến nghỉ dưỡng đắt tiền gắn với trải nghiệm văn hóa địa phương giàu bản sắc như Sơn Trà, Mũi Né, Phan Thiết, Nha Trang… thì đặc trưng của du lịch đảo vùng Đông Nam bộ là nghỉ dưỡng và du lịch lịch sử - tâm linh với hai đại diện tiêu biểu là Côn Đảo và Phú Quốc.
Trong khi đó, vùng Bắc Trung bộ lại sử dụng du lịch biển đảo như một “gia vị” mặn của du lịch di sản. Du lịch biển là một thế mạnh truyền thống của vùng nhưng sẽ khó cạnh tranh với các vùng biển đẹp khác nếu không có chuỗi di sản, di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc kéo dọc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Quy hoạch xác định rõ việc khai thác các di sản cố đô Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng, Thành nhà Hồ, di tích Kim Liên, di tích Quảng Trị phải gắn liền với hệ thống các bãi biển đẹp từ Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm đến Cửa Tùng - Cửa Việt, Cồn Cỏ, Lăng Cô – Cảnh Dương…
Cũng giống như sản phẩm du lịch biển, sản phẩm du lịch sinh thái của mỗi vùng cũng được xác định các đặc điểm nổi bật riêng nhằm tránh khai thác trùng lặp, khai thác không triệt để, không hiệu quả tiềm năng sẵn có. Trong đó, du lịch sinh thái vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ đầu tư trọng tâm vào sinh thái núi và hồ gắn với du lịch mạo hiểm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là sinh thái rừng ngập mặn…
Đề cao phát triển bền vững
Ông Phạm Trung Lương – Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch – cho biết: Hai yếu tố văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên luôn được nhấn mạnh trong quy hoạch 7 vùng du lịch như một quan điểm phát triển du lịch bền vững với tầm nhìn dài hạn. Quan điểm ngắn hạn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên văn hóa để phục vụ du lịch cần bác bỏ triệt để. Chính vì thế, bản quy hoạch ngoài việc định hình sản phẩm, thị trường khách còn tính đến các yếu tố về không gian, sức chứa của vùng, những tác động của du lịch lên môi trường tự nhiên và cuộc sống người dân… Từ đó mới có những lộ trình phát triển đúng đắn và mục tiêu phù hợp.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Tuấn Việt – Hiệp hội Lữ hành Việt nam – bày tỏ mong muốn có sự đóng góp ý kiến của các hãng lữ hành, những người trực tiếp tham gia vào thị trường du lịch, để bản quy hoạch cụ thể, chi tiết và có tính thực tiễn cao hơn. Ví như những điểm đến du lịch cần có quy hoạch điểu chỉnh khẩn cấp do đang phát triển thiếu bền vững, môi trường tự nhiên bị xâm phạm nghiêm trọng; những tuyến điểm nào cần được bổ sung chuỗi dịch vụ cung ứng cụ thể…
Tuy nhiên, ông Lương cũng chia sẻ: không phải địa phương nào cũng nhận thức sâu sắc về quy hoạch du lịch, hoặc có những quy hoạch riêng không phù hợp với tổng thể. Do đó, việc triển khai quy hoạch vào thực tế có thể sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Chính vì thế, bên cạnh bản quy hoạch, cần thiết phải có các chính sách phát triển đồng bộ, tạo động lực để du lịch thực sự trở thành nền kinh tế mũi nhọn./.
Tùng Mai