Châu Á thúc đẩy giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng

Cập nhật: 20/03/2013
Sau hơn hai ngày thảo luận sôi nổi, tích cực và hiệu quả (từ ngày 18-20/3), Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ 4 về giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng (3R) được tổ chức tại Hà Nội, với chủ đề “3R trong bối cảnh hậu Rio+20 - Tương lai chúng ta mong muốn” đã khép lại, với việc thông qua Tuyên bố 3R Hà Nội-Các mục tiêu 3R bền vững cho châu Á giai đoạn 2013-2023.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh tại diễn đàn lần này, đại biểu 31 quốc gia đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề với mục đích thúc đẩy 3R để hướng tới các kết quả của Hội nghị Rio+20, nhằm đạt được phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với sự tập trung cao độ, tinh thần hợp tác, trao đổi cởi mở, diễn đàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể la các nội dung về 3R hiệu quả tài nguyên đã được trình bày và thảo luận với các góc nhìn khác nhau, ở cấp độ toàn cầu, khu vực, đến cấp độ quốc gia, qua đó đại biểu các nước tham dự diễn đàn có một cách nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về các giải pháp 3R.

Các kết quả đạt được tại diễn đàn này, đặc biệt là sự đồng thuận về việc xác định để triển khai thực hiện khung mục tiêu 3R, chắc chắn sẽ tạo ra cơ sở vững chắc và tạo cơ hội hợp tác và cùng nhau hướng đến một nền kinh tế xanh hơn cho cộng đồng châu Á. Bởi lẽ, 3R là công cụ để quản lý chất thải tốt hơn, tiết kiệm được tài nguyên, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh. Đây là một cách tiếp cận để giải quyết có hiệu quả những thách thức mà các nước châu Á đang phải đối mặt, là động lực tăng trưởng mới trên con đường phát triển bền vững.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức mà các nước châu Á đang phải đối mặt, việc thực hiện 3R hướng tới nền kinh tế xanh chắc chắn còn gặp nhiều trở ngại. Sự thành công trong việc thúc đẩy 3R không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của các quốc gia dựa trên cơ sở các nguồn lực của mình mà còn phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực chung trong quan hệ hợp tác phát triển, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong châu lục.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép 3R nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung vào các chính sách phát triển. 3R cần phải được thực hiện trên cơ sở có sự tham gia của tất cả các bên liên quan gồm Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong đó quyết tâm chính trị của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng.

Ngoài ra, 3R cũng cần có sự hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia để được thúc đẩy thực hiện. Hiện có nhiều vấn đề về chất thải đang nổi lên như chất thải điện tử, chất thải nguy hại, chất thải túi nilon...

Những vấn đề về thể chế, chính sách và công nghệ cũng đã được các nước và các tổ chức quốc tế thảo luận tích cực, nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu cho việc quản lý các loại chất thải này. Một số vấn đề đã được nhấn mạnh như: Công nghệ tái chế còn lạc hậu, gây nhiều tác động xấu tới môi trường; thể chế, chính sách và hạ tầng còn bất cập. Đặc biệt, vấn đề chất thải xuyên biên giới, chất thải ở các quốc đảo với diện tích chôn lấp rất hạn chế... cũng đang là những mối quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực chúng ta.

Các đại biểu đã thảo luận và thống nhất về vai trò của các giải pháp 3R trong việc thúc đẩy một nền công nghiệp xanh, bao gồm xanh hóa các cơ sở sản xuất và phát triển các nhóm ngành công nghiệp xanh; chia sẻ những khung chính sách ở nước mình về thúc đẩy thực hiện các giải pháp 3R trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhấn mạnh đến sản xuất sạch hơn, nền kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái... như là những giải pháp trọng tâm để xanh hóa ngành công nghiệp.

Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ 4 về giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng (3R) cũng đã chia sẻ, thảo luận về việc xây dựng một bộ chỉ số, chỉ thị để có thể giám sát, đánh giá việc thực hiện các giải pháp 3R để hướng tới nền kinh tế xanh. Những thách thức trong xây dựng các chỉ số đã được chúng ta nhận diện như sự sẵn có và chất lượng của số liệu, phương pháp thu thập, cần phải được vượt qua. N hiều kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, chiến lược cũng như những khó khăn, thách thức trong việc thúc đẩy các giải pháp 3R trong khu vực châu Á đã được chia sẻ giữa các nước trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và ở các quốc đảo.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, để đạt được các kết quả về 3R, cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư và đặc biệt là cần phải thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong châu lục.

Bằng việc thông qua Tuyên bố 3R Hà Nội-Các mục tiêu 3R bền vững cho châu Á giai đoạn 2013-2023, đại biểu các nước tham dự Diễn đàn đã đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc đặt ra khung mục tiêu về 3R cho cả châu lục, để làm cơ sở cho mỗi nước có thể xây dựng lộ trình và các mục tiêu cụ thể cho mình, qua đó cùng thúc đẩy thực hiện các giải pháp 3R nhằm hướng tới nền kinh tế xanh, đặc biệt trong các lĩnh vực thực hiện 3R./.

Văn Hào

 

 

Nguồn: TTXVN