Ngày 21/3, Bộ VHTTDL tổ chức đoàn đi thực tế, khảo sát công tác bảo tồn, trùng tu, tu bổ một số di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Chậm mà chắc, công tác bảo tồn, trùng tu, tu bổ di tích trên quê hương “chị Hai năm tấn” có nhiều điểm nhấn đáng chiêm nghiệm.
Công tác trùng tu chùa Keo được cho là đạt kích thước vàng
Nơi ấy, xứng danh “kích thước vàng”
Trong khoảng dăm ba năm trở lại đây, Thái Bình là một trong những địa phương không có nhiều di tích văn hóa được đầu tư trùng tu, tu bổ mang tầm vóc, quy mô. Thế nhưng quê hương "chị Hai năm tấn" vẫn được biết đến là một trong những địa phương thực hiện, triển khai tốt công tác bảo tồn, trùng tu, tu bổ di tích văn hóa. Hiện Thái Bình có khoảng 100 di tích quốc gia, trong đó có Chùa Keo ở huyện Vũ Thư đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính từng nhìn nhận công tác trùng tu Chùa Keo là chuẩn mực, đạt tiêu chí “kích thước vàng”.
Với những Dự án trùng tu, tu bổ di tích văn hóa, Sở VHTTDL Thái Bình và Sở Xây dựng Thái Bình luôn phối kết hợp để thực hiện sao cho công trình vừa đảm bảo giá trị sử dụng, vừa đảm bảo tính nguyên vẹn, giá trị theo Luật Di sản văn hóa...(Ông Nguyễn Hữu Tuyền, thành viên BQL Dự án Sở Xây dựng Thái Bình)
Nằm bên bờ sông Hồng, Chùa Keo là di tích lịch sử văn hóa thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Theo sử sách, ngôi chùa có tên chữ là Thần Quang Tự này thờ Không Lộ Thiền Sư, được xây dựng từ năm 1061, thời Lý thế kỉ 11. Năm 1611, qua trận lũ lớn, chùa bị cuốn trôi và được xây dựng lại vào năm 1632 sau 19 năm chuẩn bị, 28 tháng thi công. Đến nay, qua gần 400 năm tồn tại, Chùa Keo đã kinh qua nhiều lần trùng tu, tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ được bản sắc kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17. Nét độc đáo của Chùa Keo là kiến trúc nội công, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ Lim, toàn bộ khớp nối đều không có một chiếc đinh nào cả... Thậm chí, 42 con sơn do 42 người thợ làm theo nhiều phong cách khác nhau đến giờ vẫn còn nguyên 42 con. Chùa vẫn lưu giữ Nhang án cung tiến từ năm 1632, được đánh giá là một trong những Nhang án cổ xưa nhất VN hiện còn...
Công tác trùng tu di tích đặc biệt chùa Keo được đánh giá rất cao
Điều thú vị là trong thời Pháp thuộc, Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng đã quan tâm đến giá trị đặc sắc của Chùa Keo và tiến hành trùng tu, tu bổ vào năm 1941. Từ đó đến nay, Chùa đã có nhiều lần tu bổ. Đặc biệt là sau đợt trùng tu từ nguồn kinh phí của Nhà nước năm 1999 đến năm 2004, Chùa Keo trở thành một điển hình về công tác bảo tồn di tích văn hóa. Chuẩn theo kích thước 1/1, giữ nguyên trạng giá trị từng con sơn, khớp nối... công tác trùng tu Chùa Keo được nhìn nhận là đạt “kích thước vàng”. Tháng 12.2007, tháp chuông Chùa Keo được Kỷ lục Guinness VN xác lập là tháp chuông bằng gỗ cao nhất VN (12,7m) và ngày 27.9.2012 chùa được Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt...
Cần tiếp tục phát huy sức mạnh cộng đồng
Chúng tôi tìm về khu di tích Đình Chùa Miếu Bình Cách thuộc xã Đông Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình khi di tích văn hóa này đang trong giai đoạn thi công tu bổ. Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Đình Chùa Miếu Bình Cách được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt năm 2011 theo quyết định số 940/QĐ -UBND với tổng đầu tư lên tới gần 20 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành các hạng mục như Đại Đình, Tả Vu, Hữu Vu, Hậu Cung, Nghi Môn và đang thi công tu bổ Miếu. Khi chúng tôi đến, ông Nguyễn Hữu Tuyền, thành viên Ban quản lý dự án Sở Xây dựng Thái Bình và kỹ sư Lê Mạnh Quyết, Phó GĐ Công ty cổ phần Tasco Thành Nam, đơn vị thi công Dự án đều có mặt tại công trường. Ông Nguyễn Hữu Tuyền khẳng định: “Với những Dự án trùng tu, tu bổ di tích văn hóa, Sở VHTTDL Thái Bình và Sở Xây dựng Thái Bình luôn phối kết hợp để thực hiện sao cho công trình vừa đảm bảo giá trị sử dụng, vừa đảm bảo tính nguyên vẹn, giá trị theo Luật Di sản văn hóa...”.
Sư thầy Phạm Thị Huệ, người gắn bó với Chùa Bình Cách từ năm 1962 cho biết từ lúc sư thầy về với Chùa cho đến nay thì từ hình dáng, kiến trúc, quy hoạch... của khu di tích này gần như không thay đổi. Có đợt Chùa bị bão làm hư hỏng, với nguồn kinh phí của Nhà nước chỉ vẻn vẹn 50 triệu đồng, sư thầy và dân làng phải huy động thêm để sửa chữa, tu bổ chùa. Ông Bùi Đăng Việt, Chánh văn phòng Sở VHTTDL Thái Bình cho biết thêm: “Những năm tháng qua, được sự hỗ trợ của các cấp, sự nỗ lực của địa phương và thầy chùa Tự Đàm Huệ, Đại đức Thích Thanh Nhã cùng nhân dân và tín đồ đã vận động công đức tu bổ từng hạng mục của khu di tích”. Với những thành tích đó, sư thầy Phạm Thị Huệ đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) tặng Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Miếu Bình Cách đang trong giai đoạn trùng tu
Đáng mừng là Khu di tích Đình Chùa Miếu Bình Cách dù đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhiều câu đầu, con chồng, nỗi mộng... những đường nét hoa văn, chạm trổ vẫn còn giữ được 90 - 95%. Đa số cột, xà của khu di tích này hiện đã bị mục ruỗng và các đơn vị thi công, giám sát... đặt quyết tâm giá lõi trùng tu, khôi phục nguyên trạng giá trị gốc... Quan trọng hơn, công tác trùng tu Khu di tích này luôn được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng dân cư cũng như các sư thầy... Trong vài năm trở lại đây, Ban Quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Chùa Keo cũng có thêm thành viên là các nhà sư của nhà chùa tham gia. Hoạt động theo cơ chế là một đơn vị sự nghiệp có thu của huyện, Ban Quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Chùa Keo phát hành phiếu Công đức có cuống ghi sêri, mã số thuế, hằng ngày có kiểm kê và nộp tiền cho Kho bạc của huyện. Ông Bùi Văn Thương, Trưởng Ban Quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Chùa Keo cho biết: “Chúng tôi quyết liệt không cho bán hàng trong Chùa Keo, lúc đầu có những khó khăn nhất định nhưng càng ngày càng được người dân ủng hộ, đồng tình. Gần đây cũng có ý kiến đề xuất nên cho phát thẻ chữ Nho in trên giấy dó rất độc đáo của Chùa Keo cho du khách, người dân vào các dịp lễ. Đấy cũng là một hoạt động đáp ứng nhu cầu tâm linh và có thể tạo thêm nguồn thu để tu bổ, trùng tu chùa. Nhưng tất cả cần phải cẩn trọng, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía sao cho thấu tình đạt lý trước khi thí điểm thực hiện”.
Phúc Nghệ