Nhằm xây dựng một hình ảnh đẹp về du lịch Hạ Long trong con mắt du khách trong và ngoài nước, thời gian qua, Quảng Ninh đã tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Vịnh Hạ Long, một trong những địa bàn rộng, trọng tâm, nơi diễn ra khá nhiều các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch phức tạp, đã và đang được các ngành, địa phương liên quan tích cực triển khai với một quyết tâm bài trừ các tệ nạn ăn xin, đeo bám, kinh doanh dịch vụ không lành mạnh...
Ghi nhận ban đầu
Những ngày này, đến khu vực cảng nổi Hòn Gai, một trong những cảng tàu biển quốc tế cập cảng đưa khách đến tham quan Hạ Long (điểm nóng về tệ nạn đò mủng ăn xin, đeo bám du khách trước đây) đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực cầu tàu Saigontourist này không còn thấy bóng những chiếc đò mủng chở những người ăn xin đỗ 2 bên mạn cầu. Chị Hà, một hộ kinh doanh bán hàng tại khu vực này, cho biết: Do có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, hiện tượng ăn xin, đeo bám khách du lịch tại khu vực này đã giảm hẳn. Đội ngũ ăn xin, cò mồi không còn hoạt động ngang nhiên như trước nữa. Đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai cho biết thêm, riêng khu vực cảng nổi Hòn Gai, các đối tượng đò mủng ăn xin đeo bám du khách cũng không còn xuất hiện ở khu vực này.
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, sau 9 tháng thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND tỉnh “Về tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh”, bên cạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân, học sinh các làng chài, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh về bảo vệ môi trường, giao tiếp, ứng xử trong hoạt động du lịch thực hiện văn minh thương mại… Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp với các lực lượng liên quan đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát và phát hiện xử lý vi phạm. Tính đến nay, Ban Quản lý Vịnh phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức được 384 lượt tuần tra giám sát các hoạt động kinh tế trên Vịnh, mở 8 đợt truy quét tệ nạn bán hàng rong, ăn xin, xử lý 9 vụ vi phạm quản lý nhà bè, 27 trường hợp đò mủng đeo bám, 29 vụ vi phạm của tàu du lịch và 10 vụ vi phạm quy định về bảo vệ cảnh quan môi trường. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, Đội kiểm tra xử lý vi phạm và các Trung tâm bảo tồn phối hợp với các đơn vị liên quan như Cảng vụ thuỷ nội địa, Sở Giao thông - Vận tải, UBND phường Hùng Thắng v.v.. đã tổ chức 119 lượt tuần tra, giám sát các hoạt động kinh tế, xã hội trên Vịnh Hạ Long, trọng tâm là bài trừ tệ nạn đeo bám tàu du lịch, bán hàng rong, ăn xin trên Vịnh. Nhờ sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan trong việc tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên Vịnh, bước đầu nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, của cộng đồng cư dân làng chài về công tác bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường du lịch tiếp tục được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp, chủ tàu, cư dân trên Vịnh Hạ Long đã tích cực tham gia thực hiện Chỉ thị 11. Một điểm đáng ghi nhận nữa, công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các hang động, điểm tham quan trên Vịnh, hoạt động tàu du lịch đã có những chuyển biến tích cực. Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh nhận xét, thực hiện Chỉ thị 11 của UBND tỉnh, chất lượng đội tàu vận chuyển khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long được nâng lên rõ rệt, ý thức, trình độ nghiệp vụ trong hoạt động du lịch của thuyền viên cũng không ngừng được cải thiện, 100% du khách trên tàu du lịch đã được các thuyền viên hướng dẫn mặc áo phao…
Vẫn còn tình trạng “dẹp chỗ này, chạy chỗ khác”...
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là không thể phủ nhận, tuy nhiên bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động kinh doanh trên Vịnh Hạ Long vẫn còn không ít thách thức mà các ngành chức năng cần tăng cường sự phối hợp hơn nữa để xử lý triệt để các vi phạm. Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh, cho biết: Ngoài một số khu vực gần bờ, do có sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, đối tượng ăn xin, bán hàng rong vi phạm đang có xu hướng giảm. Thế nhưng so với thời gian cuối năm 2012 thì sau Tết, các vụ vi phạm đò bán hàng rong, đeo bám tàu du lịch tại một số tuyến du lịch trên Vịnh có xu hướng tăng. Giải thích điều này, ông Thắng cho rằng, một trong những nguyên nhân là do thời gian ra Tết, các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ. Các đối tượng lợi dụng điều này để tăng cường các hoạt động vi phạm. Ông Phùng Đức Tín, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trăn trở, trong thời gian qua, do đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan vào cuộc mạnh mẽ trong việc vận động, tuyên truyền, kiểm tra phát hiện, xử lý các vi phạm môi trường hoạt động kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long nên tình hình đã có những chuyển biến; tuy nhiên nó vẫn thiếu tính bền vững. Ông Phùng Đức Tín nói, nhiều đối tượng vi phạm bị lực lượng chức năng xử lý ngừng hoạt động trong một thời gian, sau đó lại tiếp tục hoạt động trở lại. Mặc dù, để tạo công ăn việc làm cho một số đối tượng ăn xin trên Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã tạo điều kiện bố trí công việc làm cho một số đối tượng để có thu nhập. Nhưng được một thời gian, các đối tượng lại “ngựa theo đường cũ” với lý do “không kiếm được nhiều tiền bằng nghề ăn xin, bán hàng rong…”...
Do các vi phạm không được giải quyết một cách triệt để nên tệ nạn ăn xin, bán hàng rong trên một số tuyến như: Thiên Cung - Đầu Gỗ - Ba Hang - Gà Chọi - Hoa Cương vẫn tồn tại, có xu hướng phức tạp trên địa bàn rộng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch và lưu trú vẫn chưa thực sự nền nếp, còn có những vi phạm mang tính chất nghiêm trọng: Không có giấy phép rời cảng, bến, hành trình sai tuyến, tàu lưu trú neo đậu không đúng khu vực được cấp phép, hoạt động chuyển tải khách trái phép trên Vịnh, trốn lậu vé tham quan trên Vịnh, nhà bè neo đậu trái phép… vẫn còn tồn tại nên môi trường hoạt động kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long vẫn chưa thực sự lành mạnh. Để giải quyết điều này, ông Phùng Đức Tín cho rằng, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Ban Quản lý Vịnh với các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, xử lý thông tin về vi phạm. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý cụ thể các vi phạm như: Di chuyển nhà bè trái phép, ăn xin, đeo bám tàu du lịch… Thêm nữa, biện pháp xử lý cần kiên quyết, nghiêm khắc, có tính răn đe cao. Các đơn vị chức năng nên có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa v.v..